Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

10 món ngon của CNN trong mùa hè

Bên cạnh các món ăn được yêu thích trong mùa hè trên khắp thế giới, CNN giới thiệu món bún chả trong lòng phố cổ Hà Nội như một trải nghiệm ẩm thực khác biệt hấp dẫn thực khách. 

Những món ăn mát lạnh, ngọt ngào thường là lựa chọn hấp dẫn nhất trong mùa hè. Nhưng ở một số nước, những món ăn có tính nóng cũng rất được ưa thích trong thời tiết oi bức. Dưới đây là danh sách các món ăn ngon nhất dành cho mùa hè ở khắp các châu lục.

Bún chả, Việt Nam

Bún Chả là sự kết hợp hoàn hảo hai món ăn được yêu thích trong mùa hè: thịt nướng và salad (dưa góp, rau sống). Điều đặc biệt thu hút thực khách không chỉ từ những vỉ nướng chả thơm lừng trên bếp than mà còn nằm ở bát nước chấm đậm đà chua, cay, mặn, ngọt. Dưới cái nóng hè oi ả, thả những cọng bún trắng, mềm, mát lạnh vào bát nước chấm sẽ cảm nhận vị ngon độc đáo khó quên cho bất kỳ ai đã từng được thưởng thức.

Kulfi, Ấn Độ

Vượt lên các món kem thông thường, Kulfi - một loại kem đặc biệt của Ấn Độ được lựa chọn vào danh sách. Món kem truyền thống Ấn Độ này có đậm vị kem sữa hơn, thơm dịu khác biệt với hương hoa hồng và xoài. Người ta phục vụ Kulfi trong những chiếc ‘matkas’ (niêu đất nhỏ) để cách nhiệt và giữ kem lạnh lâu hơn.

Elote, Mexico 

Elote là tên gọi cho món ngô nưỡng kiểu Mexico. Bắp ngô khi nướng gần chín được quết thêm phomai hoặc sốt mayonaise, sau rắc thêm ớt bột, dừa nạo và nước cốt chanh.

Mỳ Naeng, Hàn Quốc

Món mỳ lạnh Hàn Quốc nối tiếng thường được phục vụ trong những tô nước đá lớn, giữ cho bát mỳ luôn mát lạnh cho đến khi thưởng thức sợi cuối cùng. Sợi mỳ làm từ kiều mạch, dẻo dai được trộn lẫn với dưa chuột, lê, trứng luộc, thịt bò và chìm vào nước dùng lạnh thơm mùi mù tạt.

Acarajé và Vatapá, Brazil

Đến từ miền đông bắc vùng đất của ‘những mùa hè vĩnh cửu', Acarajé và vatapá là 2 món ăn đường phố nổi tiếng ở Brazil. Acaraje được người Brazil yêu thích như người Mỹ thích bánh mỳ kẹp thịt. Người ta ngâm và tách vỏ đậu Fradinho, nấu nhừ và nghiền cùng tôm, hành, sau đó viên tròn và đem chiên. Acaraje thường ăn kèm với Vatapá, sốt gồm dầu Dende, nước dừa, cá thêm ớt, tỏi và đinh hương, đặc biệt có bột sắn tạo độ sệt.

Halo – Halo, Philippines

Tên của món tráng miệng Philipine có nghĩa là ‘mix-mix’ (trộn lẫn). Món giải khát được làm từ nhiều loại hoa quả nhiệt đới như: mít, đu đủ, chuối, hồng xiêm và thường được trộn cùng các loại đậu, khoai, bột bắp hay hạt lọc. Vị mát lạnh của một ly Halo-Halo đến từ những viên kem và đá bào cùng siro. Đây là món ăn rất được yêu thích bởi cả màu sắc lẫn mùi vị.

Lẩu Trùng Khánh, Trung Quốc

 Lẩu Trùng Khánh mang đến trải nghiệm ‘mồ hôi và nước mắt’ khó quên cho các thực khách. Nồi nước lẩu gồm các gia vị đặc trưng châu Á và đặc biệt nhiều ớt tươi, hạt tiêu, ăn kèm các đồ nhúng như óc heo, sách bò, lòng cừu…sẽ khiến người ăn đổ mồ hôi và thậm chí chảy nước mắt vì quá cay. Người Trung Quốc cho rằng khi ăn đồ cay như vậy, mồ hôi sẽ toát ra và giúp làm mát cơ thể. Do đó, người dân Trung Quốc đặc biệt yêu thích món này trong mùa hè.

Đá sữa bào, Đài Loan

Thay vì đá bào thông thường, sữa đặc được làm đông và chạy qua các máy cạo để tạo thành những lát đá mềm mịn, tan ngọt trong miệng. Đá bào sữa rất phổ biến ở Đài Loan và nhiều nước Đông Á, thường phục vụ kèm các loại hoa quả tươi cắt miếng để tăng độ hấp dẫn cho món ăn.

Meze, Hy Lạp

Meze là món khai vị đặc trưng của người dân Địa Trung Hải vả Trung Đông, gồm nhiều món được dùng chung với nhau như phomai feta, quả ô liu Kalamata, đậu hầm với sốt Cacik, đậu nghiền, rau cải bó xôi và cả bánh mì.

Ceviche. Peru

Ceviche có nguồn gốc từ Peru, được mệnh danh là ‘gỏi Tây’, hiện là món hải sản phổ biến ở các vùng ven biển của Mỹ, đặc biệt là miền Trung và Nam Mỹ. Ceviche gồm có tôm, cá sống tươi ướp với nước ép cam, chanh, trộn thêm gia vị, ớt bột và dùng kèm hành tây cà chua, các loại rau sống. Tại Peru, có riêng một Lễ hội về món ăn này: Lễ hội Ceviche.

 

 

 


 



 


Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Canh chua thịt băm cho bữa cơm ngon miệng

Canh cải chua nấu thịt nạc băm

Nguyên liệu:
  • 200g thịt nạc băm
  • 1 quả cà chua
  • 200g dưa cải chua
  • Hành lá, muối, đường hoặc hạt nêm, hành khô.
Bước 1:
  • Dưa cải chua rửa sạch, xả lại nhiều lần nước cho bớt mặn và chua, cắt khúc ngắn.
  • Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
Bước 2:
  • Thịt nạc băm đổ ra bát, thêm một thìa nhỏ muối, một ít hạt tiêu, hành khô thái nhỏ, trộn đều, ướp khoảng 15 phút.
  • Đun nóng một ít dầu ăn ở chảo, phi hành thơm, cho bát thịt vào xào chín, đổ ra bát để riêng.
Bước 3: Dùng lại chảo đó, cho cà chua vào xào chín, nêm vào một ít muối, đường, sau đó châm vào nồi khoảng 2-3 bát con nước lọc, tiếp tục đun sôi thì cho bát thịt đã xào ở bước 2 vào.
Bước 4: Đun đến khi cà chua mềm, cho dưa cải chua vào đun cùng, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
Bước 5: Cuối cùng tắt bếp, thêm hành lá thái nhỏ vào nồi canh, múc canh ra bát lớn dùng làm món canh ăn với cơm.





Thơm ngon món gà nướng táo

Đã quá quen thuộc với món thịt gà. Hãy biến hóa nó cho bữa cơm của bạn thêm phần hấp dẫn với món gà nướng táo nhé.

Nguyên liệu:
  • Đùi gà: 200gr
  • Táo: 1 quả
  • Mật ong: 1 thìa canh
  • Nước tương: 1/2 thìa canh; tỏi băm: 1 thìa canh; hành tím băm: 1 thìa canh
  • Bột gà: 1/2 thìa cà phê; bột ngũ vị hương: 1/2 thìa cà phê; đường.
  • Tăm tre để cố định món ăn. 
Cách làm:
  • Bước 1: Đùi gà rửa sạch, rút xương, cắt làm 6 miếng mỏng. Cho thịt gà vào tô, ướp chung với bột gà, đường, nước tương, mật ong, tỏi, hành băm, ngũ vị hương khoảng 15 phút cho thấm gia vị.
  • Bước 2: Táo rửa sạch, cắt thành 6 miếng đều nhau. Dùng gà quấn quanh miếng táo. Dùng cọ phết mật ong bên ngoài miếng gà bọc táo. Dùng tăm tre để giữ dáng món ăn.
  • Bước 3: Cho gà vào lò nướng vàng ở 185oC trong 10 phút.
Một ly rượu vang là điều rất phù hợp khi bạn muốn thưởng thức thêm cùng món ăn này đấy!!!!
Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc nhãn rượu vang
Ngộ độc rượu và cách xử trí

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Biến tấu cùng bún đậu

Biến tấu lạ nhất là sự kết hợp cái thanh, mát, dịu nhẹ của món thuần Bắc với những cuốn chả giò được chế biến theo công thức đặc biệt thơm lừng, béo ngậy.


Thanh, mát, nhưng không kém phần đậm đà và ngon miệng, bún đậu mắm tôm từ lâu đã có sức hút mãnh liệt nơi đất kinh kỳ. Và một năm gần đây, khi du nhập vào làng ẩm thực phương Nam, món này ăn mùa nào cũng ngon, cũng hợp nhanh chóng trở thành trào lưu ẩm thực "công phá" thực khách mọi lứa tuổi.

Bún đậu mắm tôm không cầu kỳ trong khâu nguyên liệu với dăm miếng bún lá xinh xinh, đĩa đậu hũ chiên vàng, kèm theo bát mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm các loại rau thơm như tía tô, húng quế, xà lách... hay đòi hỏi cao về khâu chế biến nhưng có một sức hút kỳ lạ.. Bằng chứng là chỉ sau một thời gian ngắn đã có rất nhiều hàng quán lớn nhỏ khắp các quận huyện mọc lên.

Như một quy tắc tất yếu của ẩm thực, các món đặc sản khi đến vùng đất mới đều làm mới mình về nguyên liệu, thành phần hay gia vị để phù hợp với khẩu vị của người dân nơi ấy.. Bún đậu mắm tôm cũng không lạ. Dễ nhận biết nhất là vị ngọt trong chén mắm tôm. Cao hơn là từng hàng lại gia giảm, thêm bớt nguyên liệu ăn kèm khiến trào lưu này càng sôi động và náo nhiệt hơn.

Bún tá lả
 
Ngoài mục đích đặt tên oách cho sản phẩm của mình thì thành phần lạ nhất của bún tá lả là chả rươi, một nguyên liệu được chủ quán tự hào là nhập rươi tươi về và chế biến tại chỗ.
Bún tá lả có nhiều điểm cộng. Đầu tiên tất cả nguyên vật liệu chính và phụ đều được bài trí khá bắt mắt trong một chiếc mâm tre nhỏ với lượng vừa đủ cho một người dùng. Tiếp theo là chả rươi ngon đúng vị, cuối cùng là phần lòng và thịt ghi điểm với với những lát gừng mỏng, thơm lừng, hứa hẹn ngon miệng.
Ngoài bún tá lả, đến quán, bạn còn được thưởng thức các món nước thuần Bắc hay chè khúc bạch với hoa lài đắng nhẹ, thơm dịu.
Địa chỉ: Quán Lâm Bô, 146B Nguyễn Đình Chính, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM.

Bún đậu chả giò

Bún đậu thập cẩm là hình ảnh quen thuộc của món bún đậu mắm tôm hiện nay tại tất cả các quán bún đậu của Sài thành. Gọi là thập cẩm bởi ngoài bún, đậu, mắm tôm, rau thơm, phần ăn sẽ “bao thầu” thêm đĩa thịt luộc xắt mỏng, lòng heo trắng phau, chả cốm vàng ươm. Để cạnh tranh, mỗi quán thường có một điểm nhấn riêng cho món ăn của mình. Điểm sơ một số quán bún đậu được đánh giá ngon nhất Sài Gòn ta sẽ dễ dàng nhận thấy. Cụ thể Bún đậu Homemade, điểm nhấn là đậu được làm bằng tay, tại chỗ; Bún đậu A Vừng là mắm tôm theo khẩu vị Nam bộ với giấm và rượu; Anh Em Quán là những miếng đậu vàng giòn lớp vỏ bên ngoài, mềm và béo ngậy phần đậu hũ trắng cùng hương thơm thanh nhẹ của đậu nành; Mẹt là món chả cốm ăn kèm, vừa béo ngậy, thơm mùi cốm.
Một phần bún đậu mắm tôm thập cẩm như thế thường có giá từ 70.000 – 100.000 đồng.
Bún đậu Homemade – Số 6 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình; Bún đậu A Vừng, 53 Lương Hữu Khánh, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1;3. Anh em quán, 220/50A/47C Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh; Mẹt, PP 14A Đồng Nai, Cư xá Bắc Hải, P.15, Quận 10; 72 Quán, 72 Lý Tự Trọng, Q.1; Ngõ nhỏ phố nhỏ, 156C Pasteur, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM

 

Đặc sản Quảng Bình dân dã mà ngon miệng

Quảng Bình không chỉ có bờ biển Nhật Lệ tuyệt đẹp, những hang động có một không hai mà còn bởi những món ăn nhớ mãi không quên.


 1. Bánh xèo Quảng Hòa
Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm.
Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đỗ giá làm nộm phải loại đậu đỏ, hạt to bậm. Gạo làm bánh xèo là loại lúa mành màu đỏ, chỉ xay bóc vỏ lúa (còn có tên gọi là gạo đỏ, gạo lứt) ngâm nước khoảng 5 tiếng rồi đem xay, dùng muôi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay được hai lần cho gạo mịn. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo. Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người đàn ông Quảng Hòa (vùng nam Quảng Trạch) làm ra, miệng lớn hơn bát ăn cơm một chút, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5 cm, đáy bằng phẳng.
Bếp làm có thể tráng một lúc được nhiều khuôn. Bếp thật đỏ lửa mới bỏ khuôn lên, khi tráng bánh chú ý lửa thật đỏ và đều thì bánh mới nở dậy, có hình hoa văn. Khi khuôn đã nóng, dùng môi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Tráng đến khuôn thứ ba thì bánh khuôn đầu đã chín, cứ lần lượt làm như thế.
Món cá chuối mới là lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) chưa già nhưng cũng không non quá. Người ta hái xuống, gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ. Sau đó luộc, uốn thành hình thù con tôm, con cá rồi lấy từng con cá chuối nhúng qua vào bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi. Như vậy trong mỗi lát cá đều thấm gia vị. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa.
Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.
2. Khoai deo
Với cái nắng chói chang cùng với hơi nước từ biển thổi vào trên đất Quảng Bình đã cho ra khá nhiều loại khoai ngon tuyệt vời mà một trong những đặc sản được chế biến từ khoai chính là khoai deo. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Vì hình dạng giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất nên khoai deo được người dân Quảng Bình ưu ái đặt cho tên "sâm đất".
Khoai deo đã trở thành món ăn thú vị của nhiều tầng lớp - từ bình dân lao động đến những cô cậu học trò lén giấu trong cặp sách mang đến lớp và cả những nhân viên văn phòng “ngồi nhai cho đỡ buồn”. Chầm chậm để vị ngọt bùi của lát khoai tan chảy nơi đầu lưỡi, cái cung cách thưởng thức mộc mạc đó phần nào thể hiện tâm hồn người Quảng Bình: từ tốn nhưng có chút chịu đựng, kham khổ.
3. Đẻn biển
Đẻn biển chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Đẻn biển là loài có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Đẻn gồm rất nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc. Vì thế mà con đẻn luôn được du khách "thích mê" trước khi thưởng thức những món khác tại các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ.
Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nức tiếng nhất là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình rượu ngon được trưng bày, bên trong là những con đẻn được ngâm ít nhất 3 đến 5 ngày trước đó.
Hãy một lần nhấm nháp hương vị của rượu tiết đẻn, bạn sẽ cảm thấy cái vị ấm nồng và hơi chát hòa lẫn, tạo nên cảm giác rất khó quên. Ngoài rượu đẻn thì ram cũng là một món ngon từ đẻn biển. Những con đẻn được làm sạch sẽ, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, băm thật nhuyễn rồi cho gia vị trộn đều. Ướp được một lúc cho thấm thì đem cuốn lại thành từng chiếc ram nhỏ, bắc lên chảo rán đều. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm bốc lên thật cuốn hút, chưa ăn đã thấy thòm thèm! Một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon sẽ khiến du khách bốn phương muốn ở mãi không về.
Nếu có dịp về quê hương Quảng Bình, đến tham quan những địa danh nổi tiếng như Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách đừng quên dừng chân bên bờ Nhật Lệ để thưởng thức món ram đẻn nóng hổi hay rượu đẻn thật đặc biệt nhé!
4. Cháo canh
Có lẽ cũng như phở với người Hà Nội, cháo canh gắn bó với người Quảng Bình như thức ăn không thể thiếu vào buổi sáng. Chỉ có điều nếu phở thưởng thức cả ngày lẫn đêm thì cháo canh chỉ bán một buổi. Món này cũng không bày bán nhan nhản như phở Hà Nội bây giờ (từ Bắc vào Nam, từ vỉa hè đến cửa hiệu) mà được chọn lọc bởi những cửa hiệu uy tín hay những thực khách sành sỏi.
Giống như tính cách người Quảng Bình mộc mạc, chân chất, về hình thức cháo canh không đẹp mắt và cầu kỳ như phở. Sợi mì được làm khá thô sơ (nhào mịn, cán mỏng và cắt sợi theo cách thủ công) nên sợi to và dày chứ không mềm, mỏng như bánh phở. Nước dùng nhiều và có màu vàng ươm của thịt cua, chứ không sền sệt như tô bánh canh cua.
Trong tô cháo canh có sự kết hợp của cá, tôm, thịt nạc... Trong đó, cá lóc là nguyên liệu không thể thiếu. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.
Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Tô cháo canh nóng hổi được trộn thêm những lát rau cải xanh sẽ điểm thêm màu sắc và hương vị tươi ngon. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi nơi sống mũi khi thưởng thức.
Ở TP Đồng Hới, cháo canh có thể ăn kèm với nem chả - dù hai thức này không hề ăn nhập với nhau. Sự kết hợp này có xuất xứ từ những người nông dân quê Mộ Trạch để thêm no bụng. Miếng nem chả giòn tan, thơm phức sẽ cuốn hút bạn thưởng thức, sau đó nhâm nhi nước dùng, rồi những miếng cá lóc còn nóng sốt.
5. Lẩu cá khoai
Các quán ở Đồng Hới chuyên món lẩu cá khoai (có nơi gọi cá cháo). Chỉ cần nhìn tô cá đã ướp gia vị mang ra để trên bàn thôi thì nước miếng cũng đã chảy. Từng khúc cá trắng nõn nà, mũm mĩm như thách thức, khêu gợi. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi. Ướp cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường như muối, ớt, bột ngọt nhưng luôn phải có thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi) được cắt mịn cả lá và củ nhỏ.
Còn nồi nước lẩu gồm các loại như cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Kể ra đơn giản nhưng không phải vị chỗ nào cũng ngon mà còn phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Một yếu tố quyết định nữa là cá phải thật tươi.
Vừa nói năm ba câu chuyện, nồi nước đã sôi sùng sục trên ngọn lửa mạnh, lúc này mới gắp cá cho vào. Không nên cho hết cá vào nồi cùng lúc; một người ăn hai khúc một lượt, cứ cộng lại rồi cho vào, hết lượt này đến lượt khác. Không để cá quá chín vì sẽ nát ra và mất hết chất; chỉ cần sôi lên một chút là vớt ra chén. Ăn ngay sau khi bớt nóng, đừng để nguội cá sẽ tanh.
6. Bánh lọc bột sắn, tôm sông
Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.
Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.
Bột sắn sau khi đã lọc, đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng, sồn sột sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín. Đây là thao tác công phu nhất của người làm bánh lọc.
Mỗi chiếc bánh bột lọc bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hông (đồ như đồ xôi), dành cho người mang đi xa. Loại bánh gói này có thể để nhiều ngày, khi ăn, đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo như bánh mới, được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình với những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.
Ở Quảng Bình ngon nhất là bánh lọc của mệ Xá Đồng Hới. Loại bánh dày công, đủ chất bổ dưỡng ấy lại rất rẻ. Chỉ vài chục nghìn là cả nhà có thể có được bữa liên hoan hoặc mang đi xa thành một món quà quý.

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Cách nấu cà ri gà thơm ngon

Vị thơm ngon nóng hổi của cà ri  gà hấp dẫn người thưởng thức. Cách nấu cari gà cũng đơn giản dễ dàng chế biến.


Nguyên Liệu :

  • Đùi gà - 3 - 4 chiếc
  • Sả -
  • Khoai lang, Khoai tây -
  • Cà phê bột cà ri - 2 thìa
  • Tỏi, muối, nước mắm, hành hương -
  • 2 thìa cà phê nhỏ bột năng -
  • Nửa lon nhỏ nước cốt dừa - 

Chế Biến :

  • Gà rửa sạch, dùng dao chặt nhỏ gà. Ướp vào 2 thìa cà phê bột cà ri, muối, hành hương băm nhuyễn, tiêu. Trộn đều, ướp tầm 1 tiếng cho gia vị được thấm.
  •  Sả rửa sạch, cắt khúc ngắn bằng lóng tay.
  • Khoai lang, khoai tây, gọt vỏ, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ.
  • Đun nóng dầu, đổ khoai vào chiên. Khoai vàng vớt ra để ráo dầu.
  • Đun nóng 2 thìa cà phê dầu ăn, đổ gà vào chiên sơ cho gà săn lại. Vớt ra đĩa để qua một bên.
  • Dùng chảo đó, phi tỏi thơm, thả từng khúc sả đã cắt ngắn vào, dùng đũa đảo đều cho sả thơm.
  • Đổ gà vào, đảo đều. Đổ nước lạnh ngập mặt gà, đợi sôi bùng thêm nước cốt dừa vào.
  • Nấu sôi đến lúc nào gà mềm, thả khoai vào. Đợi khoai mềm, nêm nếm gia vị lại tùy theo sở thích của bạn. Bạn có thể thêm nước cốt dừa.
  • Hòa tan 2 thìa cà phê bột năng với 3 thìa cà phê nước lạnh, khuấy đều. Đổ vào nồi cà ri, dùng muỗng gỗ lớn trộn đều. Hỗn hợp cà ri sẽ hơi sền sệt.

4 ‘chiêu’ nấu cháo ngon siêu tốc

Việc nấu cháo lắm “nhiêu khê” của các bà mẹ trẻ bận rộn sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Vừa đi làm vừa chăm con nhỏ sao cho vẹn cả đôi đường luôn là vấn đề gây rắc rối cho rất nhiều bà mẹ trẻ.

Đặc biệt, đối với các chị em công sở ngày làm 8 tiếng thì việc canh thức để nấu cho con một nồi cháo ngon mỗi ngày càng trở nên “bất khả thi”. Chính vì vậy nhiều mẹ đã lựa chọn cách mua cháo dinh dưỡng có sẵn cho con. Tuy nhiên, việc cho bé sử dụng cháo nấu sẵn ngoài hàng như vậy thường không đảm bảo vệ sinh và nguồn gốc thực phẩm.
Mặt khác, nếu mẹ sử dụng phương pháp nấu cháo bằng nồi nhôm hoặc inox thông thường thì sẽ tốn rất nhiều thời gian canh cháo mà đôi khi khuấy đảo liên tục cháo vẫn bị khê. Vậy ta phải làm thế nào đây? Xin mách mẹ 4 cách nấu cháo đảm bảo đủ tiêu chí nhanh - bổ - rẻ nhé.
Dù nấu theo phương pháp nào, nguyên tắc đâu tiên để nấu cháo nhừ và ngon là mẹ nên nấu hai lần: một lần vào tối hôm trước và 1 lần vào sáng hôm sau. Kinh nghiệm thứ hai là cháo nên được nấu đặc một chút, như vậy khi thành phẩm có thể trữ đông dùng nhiều lần. Ngoài ra, cháo đặc có thể chế thêm nước cho loãng vừa với ý thích chứ cháo loãng thì thường rất khó “sửa sai”.
1. Nấu cháo bằng nồi cơm điện
Vo gạo thật sạch rồi đổ vào nồi, cho nước vừa đủ
Bật nút nấu cơm
Canh cho đến khi sôi, chuyển sang chế độ hâm nóng, để 15 phút rồi rút điện.
Sáng hôm sau, trước khi nấu, mẹ cần kiểm tra lượng nước trong nồi đã đủ chưa. Nếu cháo đặc, mẹ có thể bổ sung thêm nước, ngoáy đều
Bật nút nấu một lần nữa., 15 phút sau cháo sẽ chín nhừ.
2. Nấu cháo bằng bình thủy đựng nước
Đây là cách làm đơn giản và “dã chiến” hay được các bà các mẹ ngày xưa áp dụng.
Buổi tổi trước khi đi ngủ, mẹ vo gạo sạch, để ráo rồi cho vào bình thủy. Lượng gạo chiếm khoảng ¼ bình
Đun cho nước nóng già rồi đổ vào cùng với gạo. Mẹ chú ý không nên đổ nước đầy tràn vì gạo sẽ còn nở ra chiếm diện tích trong bình.
Đậy kín nắp để qua một đêm, sáng hôm sau mẹ sẽ có một bình cháo thơm.
Một mẹo nhỏ dành cho mẹ: Nên sử dụng những bình thủy đựng nước dạng tròn thấp, cổ rộng để dễ dàng rửa và vệ sinh bình sạch sẽ.
3. Nấu cháo bằng bếp gas
Cách nhỏ thông thường tưởng chừng ai cũng biết nhưng thực ra rất nhiều mẹ bật bếp đun cháo liên tục vừa tốn gas lại vừa dễ để cháo bị khê.
Thực tế, mẹ chỉ cần cho gạo vào nồi, cho nước vừa đủ rồi châm lửa, đợi đến khi cháo sôi thì tắt bếp.
Sáng hôm sau trước khi đi làm, mẹ bật bếp lên một lần nữa, cho thịt hoặc tôm cá băm nhỏ tùy ý là con đã có ngay một bữa sáng dinh dưỡng tuyệt vời.
4. Nấu cháo bằng cốc
Mẹ dùng thìa để đong lượng gạo cần nấu, cho vào cốc rồi vo cho sạch
Gạn hết nước vo gạo, đổ nước vừa đủ (với các bé mới tập ăn dặm, tỷ lệ cháo : nước thường là 1:10).
Đặt cốc vào nồi cơm điện nấu chung cùng với gia đình. Mẹ chú ý nếu dùng cốc nhựa đừng để đáy cốc chạm nồi cơm mà nên để lên trên lớp gạo nấu cho cả nhà.
Ấn nút nấu cơm.
Sau khi cơm chín, ủ cháo thêm khoảng 15 -20 phút.
Vậy là khi cả nhà đến bữa ăn cơm thì cốc cháo của bé cũng đã sẵn sàng.
Nhờ 4 phương pháp nấu cháo đơn giản tiện lợi trên đây, công việc đun hầm phiền phức lắm “nhiêu khê” của các bà mẹ trẻ bận rộn đã trở nên đơn giản biết bao.
Chúc mẹ thành công và có những bữa ăn ngon với con yêu!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
type='text/javascript'/>