Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Hấp dẫn hủ tiếu sườn trứng cút

Hủ tiếu sườn trứng cút là một món ăn đậm chất nam bộ. Bạn sẽ cảm nhận được vị ngon ngọt từ nước dùng, vị mềm thơm của hủ tiếu và nhiều những thứ nữa. Tất cả hòa quyện lại đem lại cho bạn một cảm giác tuyệt vời mà hiếm có món ăn nào có được.


Nguyên liệu:
  • Sườn non, xương heo: 500g 
  • Thịt nạc thăn có kèm ít mỡ để khi chiên không bị khô: 400g 
  • Gan lợn, trứng cút: 50g 
  • Thịt nạc xay: 100g 
  • Hủ tíu, tôm tươi, ít tai nấm hương (nấm đông cô), nước mắm, dầu mè, dầu ăn, muối, đường, bột nêm. 
  • Tôm khô, xá bấu (củ cải mặn).
  • Giá, hẹ, hành lá, hành phi khô
Cách làm:
  • Bước 1: Đun sôi xương heo, sườn non thả vào ít tôm khô và xá bấu. Khi đun, nhớ vớt bọt cho nước dùng được trong. Ướp thịt nạc thăn với chút muối, 1 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh bột nêm, thoa hỗn hợp gia vị này khắp mặt thịt để thịt thấm đều gia vị.
  • Bước 2: Cho miếng thịt thăn vào nồi, để lửa lớn, đổ ít nước sôi ngập mặt thịt, nấu sôi. Đun đến khi thịt mềm là được. Thịt xá xíu mềm, thái thịt thành từng lát vừa ăn. Trứng cút luộc chín, bóc vỏ. Gan lợn rửa sạch, ngâm gan với sữa tươi để thải chất độc trong gan ra, xả lại nước lạnh. Luộc chín gan, thái thành từng lát vừa ăn. Hành lá, giá, hẹ ngâm rửa sạch, xắt khúc vừa ăn.
  • Bước 3: Thịt nạc xay ướp chút muối, tiêu, xào chín với dầu ăn và hành phi thơm, đổ ra bát. Nấm đông cô xả sạch, ngâm nước lạnh cho mềm. Thả từng tai nấm vào nồi nước dùng, đun sôi lại tắt bếp. Nêm nếm lại nước dùng vừa ăn. Hủ tíu khô chần qua nước sôi. Cho hủ tíu vào bát, trên xếp vài lát gan, thịt xá xíu, sườn non, trứng cút, múc ít thịt nạc xay lên trên bề mặt, xếp giá, hẹ, rau cần, rắc thêm hành tím, tỏi phi, hạt tiêu. Chan nước dùng ngập mặt. Dùng nóng. Chấm kèm tương ớt tùy thích.
Mẹo nhỏ: Để có nước lèo ngọt, bạn có thể cho tôm khô, mực khô nấu cùng. Khi nước lèo sôi, bạn bỏ vào 1/2 muỗng tỏi phi để tạo mùi thơm.
  Nguồn: 24h.com.vn

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Rượu vang giúp chị em vào cuộc "mãnh liệt" hơn

Phụ nữ uống rượu vang vào buổi tối vừa đẹp da vừa tốt cho sức khoẻ, nhưng liệu rằng rượu vang có tốt cho vấn đề tình dục của phụ nữ và có gây nghiện?




Theo Ths. Bs. Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, khi uống rượu nói chung và rượu vang nói riêng sẽ làm giãn các mạch máu ngoại biên. Lúc đó tất cả mạch máu ở ngoài da như: vùng da mạt, da chân, da tay và nhiều vùng da trên cơ thể đều giãn ra. Lượng máu đến các vùng này đều nhiều hơn.

Việc trên đồng nghĩa với việc da của bạn được nuôi dưỡng tốt hơn, tránh được quá trình lão hóa. Vì vậy, khi một người phụ nữ uống rượu vang đều đặn, thường xuyên với liều lượng vừa phải sẽ làm cho họ ít bị lão hoá, da không bị khô và sẽ mềm mại hơn.


Ngoài ra, rượu vang có tác dụng rất tốt cho thành mạch, làm tăng cường chức năng của tim, khiến tim hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, bơm máu đi nuôi khắp cơ thể tốt hơn. Đặc biệt, khi có tuổi rượu vang giúp tăng cường chức năng của thành mạch cho các bạn, khi đó nguy cơ tăng huyết áp của các bạn sẽ ít hơn, nguy cơ xơ vữa động mạch cũng ít hơn.

Rượu vang với một lượng vừa phải tốt cho sức khoẻ và khi có sức khoẻ tốt thì “chuyện ấy” cũng tốt hơn. Đôi khi rượu vang còn là chất xúc tác cho cuộc yêu thêm nồng nhiệt, nó như thêm một chút dầu vào lửa cho ngọn lửa tình bùng cháy hơn. Điều này lý giải tại sao các đôi uyên ương trong đêm tân hôn có sử dụng một chut rượu vang đều cảm thấy hưng phấn hơn, viên mãn hơn sau cuộc yêu.

Nếu có thói quen sử dụng rượu vang thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng mà không sợ lệ thuộc vào rượu. Bạn chỉ sợ bị nghiện rượu khi càng ngày càng dùng tăng liều lên và bạn không kiểm soát được điều đó. Việc bạn sử dụng rượu vang chỉ như một chút bột canh thêm vào nồi canh, tạo thêm gia vị cho “chuyện ấy” thì rất nên dùng.

Cơm cuốn cá ngừ kiểu Nhật

Cơm cuốn cá ngừ Nhật Bản là một món ăn độc đáo, dễ làm nhưng cũng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho người ăn. Học cách làm nhanh món ăn này thôi nào.
 
Nguyên liệu:
  • 1 ½ cốc cơm sushi (cơm trộn giấm) hoặc cơm thường
  • 100 g cá ngừ làm sạch
  • 3 thìa tương ớt Thái
  • 1 -2 thìa hành lá băm
  • ½ thìa dầu mè
  • 2 lá rong biển
  • 1-2 thìa canh hạt mè rang
  • Mayonnaise cay (nếu có)
  • ¼ cốc nước
  • 2 thìa giấm gạo
Cách làm:
  • Bước 1. Thái cá ngừ thành từng miếng vuông nhỏ (hoặc băm nhỏ)
  • Bước 2. Trong một cái bát trộn, trộn đều cá ngừ, tương ớt Thái, hành lá băm và dầu mè.
  • Bước 3. Đặt chiếu cuốn sushi xuống mặt phẳng bàn, trải một lớp nilon lên trên. Sau đó, đặt lên trên cùng một lá rong biển (mặt bóng hơn quay xuống). Nhúng tay vào giấm gạo cho đỡ dính rồi trải cơm lên toàn bộ bề mặt lá rong rồi rắc thêm hạt mè rang.
  • Bước 4. Cầm miếng nilon để lật ngược lá rong biển lại sao cho phần cơm xuống dưới và phần lá rong biển quay lên trên. Cho cá ngừ vào sát cạnh của lá rong biển.
  • Bước 5. Dùng chiếu cuốn thật chặt tay để tạo thành một cuốn rong biển với phần cơm ở bên ngoài.
  • Bước 6. Bỏ chiếu ra và cuốn cuộn cơm bằng nilon rồi dùng dao sắc cắt thành 8 miếng. Chú ý: lau dao với khăn ẩm sau mỗi lần cắt.
 Nguồn: xaluan.com

Canh khoai mì - món ăn quê nhà


Ngày ấy, xứ Quảng quê tôi nghèo xơ xác với đất đai khô cằn trong nắng gió. Hạn hán, thiên tai lũ lụt thường xuyên diễn ra gây thất bát mùa màng nên trong mỗi khu vườn người dân quê tôi đều có trồng sắn (khoai mì) để sẵn sàng “cứu đói”, phòng khi giáp hạt.

Ngày ấy, để khỏi ngán điệp khúc “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”, mẹ tôi chế biến các món ăn dân dã, bình dị mang hương vị quê nhà từ sắn như: sắn luộc chấm muối mè, sắn xào, sắn chiên, xôi sắn, chè sắn, bánh sắn… để trừ cơm. Nhưng, thời thơ bé, tôi thích nhất là món canh sắn nấu với tép mà mẹ thường “ưu tiên” cho tôi nhiều hơn bởi vì tôi bé nhất nhà.

Để nấu món canh sắn, mẹ chọn những củ sắn múp, ít xơ, không quá to. Mẹ lột hết vỏ sắn và rửa lại sạch sẽ rồi lấy dao nạo từng miếng bằng đốt ngón tay, ngâm trong nước khoảng một giờ cho hết nhựa, sau đó vớt ra rổ để ráo nước. Mẹ cho dầu phụng vào nồi, phi hành lên cho thơm, rồi cho tép đã làm sạch và ướp gia vị vào xào cho thấm đều, tiếp đó đổ nước và sắn vào nấu khoảng độ ba mươi phút. Khi canh chín, chuẩn bị nhắc xuống thì cho muối, bột ngọt, rau thơm và một ít bột tiêu vào là có được món canh sắn thơm ngon, đậm đà. Nồi canh sắn đạt yêu cầu là phải không quá nát, không quá đặc, không quá loãng, lúc ăn có vị bùi và béo của sắn, vị ngọt của tôm, tép; mùi thơm hấp dẫn của hành, của rau thơm và gia vị.

Sau này, đời sống kinh tế của cư dân xứ Quảng khá dần lên, những nồi canh sắn của một thời nghèo khó do những bà mẹ quê tôi chế biến đã mất dần trong sự lãng quên của người đời. Nhưng anh em chúng tôi vẫn thi thoảng nấu những nồi canh sắn “cách điệu” với những hải sản đắt tiền trông khá thơm ngon để ăn mà nhớ về một thời nghèo khó. Mỗi lần thấy cảnh nhà ai đang nhổ sắn trong vườn, tôi lại nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ bát canh sắn thơm ngon và cả những lời vỗ về, ân cần của mẹ vào ngày thơ tấm bé.

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Thơm ngon trứng cuộn dăm bông - phô mai

Đơn giản, gọn nhẹ, tiện dụng nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất là những gì miêu tả về món trứng cuộn dăm bông phô mai. Cùng vào bếp và thực hiện nó ngay thôi nào.

Nguyên liệu:
  • Thịt bacon (dăm bông): 100g
  • 6 quả trứng
  • 3 củ khoai tây cỡ vừa
  • một nửa củ hành tây
  • 1 muỗng canh sữa tươi, 2 muỗng canh dầu ăn
  • 1/8 muỗng cà phê hạt tiêu, ½ muỗng cà phê muối, 3 miếng phô mai.
Cách làm:
  • Bước 1: Gọt vỏ, rửa sạch khoai tây rồi để ráo nước. Hành tây lột bỏ vỏ, xắt hạt lựu. Cho hành tây vào chảo, đảo với khoảng 1 muỗng canh dầu ăn. Xắt hạt lựu khoai tây thành miếng vừa ăn, cho vào chảo, đảo đều với hành tây. Khoai tây bắt đầu se mặt, cạnh chuyển sang màu vàng, nêm thêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu cho vừa ăn.
  • Bước 2: Lấy một tô lớn, đánh trứng đều với ¼ muỗng cà phê muối, ¼ muỗng cà phê hạt tiêu và sữa. Đổ trứng vào chảo có khoảng 2 muỗng canh dầu ăn, rán cùng hành tây và khoai tây ở mức lửa cao nhất. Khi trứng bắt đầu chín, dùng thìa gỗ đảo nhẹ để phần tứng phía trên được tiếp xúc với mặt chảo nóng bên dưới. Cho thịt dăm bông cắt hạt lựu vào. Tiếp tục cho phô mai vào.
  • Bước 3: Khi trứng bắt đầu đặc lại, đủ để lật, úp một chiếc đĩa lớn lên bề mặt trứng, ụp trứng từ chảo vào đĩa rồi dùng đĩa trút trứng lại vào chảo. Để trứng trên chảo thêm khoảng 2-3 phút rồi cuốn trứng tròn lại, tắt bếp. Dọn trứng ra đĩa, trang trí với rau xà lách. Dùng kèm với phô mai viên, thịt bacon cuộn, rắc chút muối tiêu tùy thích.
Mẹo nhỏ: Khi đánh trứng, bạn không nên đánh quá kỹ để tránh việc trứng quá bông. Chỉ cần đánh trứng vừa đủ quyện đều với gia vị là được.

Những món tráng miệng ngày hè

Mùa hè nóng nực làm mọi người không thiết tha nhiều với đồ ăn thức uống. Tuy nhiên, để giảm bớt cái nóng nực của ngày hè, bạn có thể tham khảo những món tráng miệng sau đây nhé.

 Bánh flan

Cái khó khi làm bánh flan là chế biến xong, mặt bánh phải mềm mịn, lớp caramen trên mặt có màu cánh gián đẹp mắt. Trước hết, cần phải chuẩn bị sẵn khuôn để khi thắng xong caramen thì đổ ngay vào, nếu không caramen dễ bị cháy. Cho đường và nước vào nồi, bắc lên nấu cho đường tan, vặn lửa vừa và đợi đến khi đường bắt đầu chuyển sang màu vàng nâu mới dùng muỗng khuấy đều. Khi đường ngả sang nâu cánh gián thì nhấc xuống, đổ caramen vào khuôn, tráng đều. Đập trứng vào tô lớn rồi khuấy tan trứng với đường, đừng khuấy mạnh vì bọt khí dễ làm mặt bánh bị rỗ. Đun nóng sữa tươi, khi chuẩn bị sôi thì tắt bếp. Múc từng muỗng sữa cho vào trứng rồi khuấy cho sữa và trứng quyện đều. Không nên đổ hết sữa vào ngay một lúc vì trứng sẽ vón cục. Lược qua rây cho hỗn hợp thật mịn, sau đó đổ vào khuôn rồi đem hấp cách thủy. Thỉnh thoảng dùng khăn lau khô hơi nước đọng trên vung nồi. Bánh chín để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Khi ăn trút ra đĩa, thêm đá, cà phê tùy thích.

Rau câu nhân flan

Rau câu là một dạng tảo biển, ăn vào giúp cơ thể thanh mát, kết hợp với bánh flan là món tráng miệng mùa hè tuyệt vời. Làm bánh flan trước rồi để vào tủ lạnh. Sau đó hòa tan bột rau câu với nước, để khoảng 15 phút cho rau câu nở hết rồi mới bắc lên bếp nấu sôi, cho đường vào quậy tan. Nên dùng đường phèn để rau câu ngọt thanh và có thể để lâu. Vặn lửa liu riu để giữ nóng rau câu khi đổ. Dùng khuôn lớn hơn bánh flan một chút, đổ một lớp rau câu mỏng vào, khi rau câu se mặt thì đặt bánh flan vào, tiếp tục đổ rau câu cho đầy khuôn, để nguội hoàn toàn. Món này dùng lạnh mới ngon.

Rau câu đậu xanh

Thêm một ít đậu xanh vào sẽ làm món rau câu thêm đẹp mắt và lạ miệng. Đậu xanh có tác dụng giải nhiệt, rất thích hợp cho những ngày nắng nóng. Đậu xanh cà vỏ đem ngâm nở rồi hấp chín, để lại một ít, phần còn lại cho ít đường vào rồi đem xay nhuyễn. Chắt sẵn nước cốt dừa. Đổ nước vào, bột rau câu ngâm nở, cho đường vào, bắc lên bếp nấu sôi, khuấy tan hoàn toàn. Chuẩn bị một khuôn tròn lớn, múc rau câu ra hòa với đậu xanh xay nhuyễn rồi đổ vào khuôn, chờ đến khi lớp đáy đông lại, hòa tiếp nước cốt dừa với rau câu rồi đổ lên. Khi lớp này đông cứng mới rải đều đậu xanh nguyên hạt lên, sau cùng đổ lớp rau câu trắng vào, chờ nguội đặt vào tủ lạnh. Để các lớp rau câu dính nhau mà không bị hòa lẫn thì phải đợi lớp trước đông cứng mới đổ lớp sau và nhớ là luôn giữ rau câu nóng trong lúc đổ. Nếu nguội, các lớp sẽ rời ra, mất ngon.
Bánh pudding chuối
Bánh pudding là món tráng miệng quen thuộc ở các nước phương Tây, được chế biến đa dạng với nhiều nguyên liệu khác nhau. Với kiểu pudding chuối, cho bột bắp, đường và muối vào nồi, đổ sữa tươi, lòng đỏ trứng đánh tan rồi bắc lên bếp nấu, khuấy đều đến khi đặc lại, nhấc xuống cho bơ và vani vào, quậy đến khi bơ tan hoàn toàn. Chuối cắt khoanh, xếp vào khuôn nhỏ, đổ hỗn hợp trên vào, trên mặt rắc thêm một ít bánh xốp bóp vụn, để lạnh khoảng 2 giờ trước khi dùng.

Bánh pudding trà xanh

Loại pudding này sử dụng bột gelatin làm đông. Hòa tan bột trà xanh với ít nước để riêng. Đổ sữa đậu nành vào nồi, bắc lên bếp nấu lửa nhỏ, trộn đều đường và bột gelatin rồi cho vào nồi sữa khuấy tan hoàn toàn. Đánh tan lòng đỏ trứng rồi cho từ từ vào hỗn hợp trên trộn đều, nhớ giữ đừng để hỗn hợp trứng sữa đông lại trước khi hòa tan trà xanh vào. Đổ pudding ra khuôn và để vào tủ lạnh. Khi ăn lấy bánh pudding ra đĩa, ăn kèm với trái cây và rưới thêm sữa đặc lên mặt bánh.





Mướp hương nấu mực cơm

Mùa hè đang đến dần, và những món ăn thanh mát là một trong những sự lựa chọn cho các chị em nội trợ. Canh mướp nấu mực cơm là một món ăn như thế.



Mực cơm là loại mực con nhỏ cỡ bằng ngón tay cái người lớn. Loại mực này được ngư dân đánh bắt chủ yếu bằng lưới mành và chỉ có một một lần vào lúc sáng sớm khi thuyền cập bến. Khi đó nhưng con mực còn tươi, da trong veo, còn những chấm đỏ tím li ti, mắt sáng, mình cứng tròn là ngon nhất.
Mực chọn nấu canh nên để nguyên con, người làm chỉ cần khéo tay lấy túi mực ra ngoài mà không cần lấy phần đầu và thân rời ra (nhiều người thích để nguyên túi cũng đều ngon), rửa sạch để ráo nước.

Mướp nấu canh ngon nhất chính là loại mướp hương hoặc mướp đất. Chọn những trái mướp non, gọt vỏ, rửa sạch rồi thái từng miếng vừa ăn. Chú ý nấu canh mướp với mực không cần dầu mỡ gì cả. Đặt nồi nước lên bếp (ít nước vì mướp sẽ ra nước). Khi nước đã sôi, cho phần mực vào nồi nấu chín. Tiếp đến cho mướp vào nồi canh, để lửa lớn cho mướp không bị đen. Khi mướp chín, nêm gia vị lại cho vừa ăn là được.
 
Canh mướp mực cơm dễ nấu, không tốn nhiều thời gian nhưng lại đem đến sự ngon miệng cho bữa ăn gia đình.
Trong những ngày nắng nóng, được ăn canh mướp nấu với mực thì không còn gì bằng. Vị thơm ngọt của mướp, cái dai dai mềm mềm của mực cùng vị ngọt đặc trưng của nước dùng đem lại cho bữa cơm gia đình của bạn một món ăn ngon và lạ miệng.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
type='text/javascript'/>