Hiển thị các bài đăng có nhãn Món ngon mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Món ngon mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Thịt viên kiểu mới cho bữa cơm tối lạ miệng

Khác với những món thịt viên thông thường khác, món thịt viên này được trộn cùng khoai từ, tạo vị bùi thơm rất đặc biệt cho món ăn.



Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm món thịt viên:
  • ½ củ cà rốt
  • 150g khoai từ (củ từ)
  • 300g thịt xay
  • 25g lòng trắng trứng
  • Gia vị: 10g gừng, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh nước tương.
Cách làm:
  • Bước 1: Gọt vỏ khoai từ, cắt thành miếng nhỏ. 
  • Bước 2: Hấp chín khoai từ, sau khi khoai chín bạn nghiền nhuyễn. 
  • Bước 3: Trộn đều thịt xay và khoai từ nghiền nhuyễn lại với nhau. 
  • Bước 4: Thêm lòng trắng trứng, gừng và muối vào trộn đều.
  • Bước 5: Thêm nước tương vào, trộn đều. 
  • Bước 6: Sau đó bạn vo thịt thành từng viên vừa ăn. Cà rốt rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi xắt lát mỏng. 
  • Bước 7: Kế đến, bạn đặt thịt viên lên từng lát cà rốt trên đĩa, cho vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 10 - 15 phút là được.Lấy thịt viên ra, ăn với cơm rất ngon. 
Khoai từ là thức ăn giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là tinh bột. Khác với những món thịt viên thông thường khác, nguyên liệu chủ yếu chỉ là thịt hay giò sống; món thịt viên này được trộn cùng khoai từ, tạo vị bùi thơm rất đặc biệt cho món ăn; khiến bữa cơm trở nên lạ miệng và ngon hơn bao giờ hết!
Chúc bạn thành công và có món thịt viên thật ngon nhé!

6 món ăn thuốc chữa viêm đường tiết niệu

Bệnh viêm đường tiết niệu là bệnh viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu (như thận, bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tiền liệt tuyến), nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn, thường gặp nhất là E.coli. 
Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, cả nam và nữ nhưng nữ mắc nhiều hơn. Bệnh cần được chữa trị sớm nếu không có thể dẫn tới biến chứng viêm thận. Ngoài việc dùng thuốc, Đông y có một số món ăn chữa bệnh này rất hiệu quả, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần.
  • Nước rau  dền cơm: rau dền cơm 50g (nếu khô thì 20g), lá mã đề 30g (khô 15g), cam thảo đất 10g (khô 5g). Nếu dùng lá tươi thì rửa sạch, giã nhỏ lọc bằng nước đun sôi để nguội, lấy nước đặc chia 2 lần uống trong ngày, uống liền 3 ngày. Nếu dùng lá khô thì đun lấy nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
  • Nước râu ngô: râu ngô 50g, lá mã đề 30g, đường trắng 20g. Râu ngô, lá mã đề rửa sạch, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, cho đường vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày lúc đói. Uống liền 3 ngày.
  • Nước dứa: dứa xanh 1 quả, đường phèn 10g. Dứa xanh chọn quả gần chín, nướng trên lửa khoảng 1-2 phút, lau sạch, ép lấy nước, cho đường phèn vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
  • Cháo hạt dành dành: hạt dành dành 20g, đậu đen 60g, đậu xanh 60g, gạo 100g, đường phèn vừa đủ. Hạt dành dành cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước. Đậu xanh, đậu đen, gạo vo sạch, cho vào nước hạt dành dành nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Chia ăn 2 lần lúc đói. Cần ăn liền 3 ngày.
  • Cháo chim sẻ: chim sẻ 5 con, gạo nếp 100g, hành tươi 20g, bột gia vị vừa đủ. Chim sẻ làm sạch, bỏ nội tạng, ướp bột gia vị khoảng 30 phút. Hành rửa sạch thái nhỏ. Gạo nếp cho vào nồi thêm nước ninh thật nhừ, cho chim sẻ vào ninh tiếp. Cháo chín cho gia vị, hành vào. Chia 2 lần ăn trong ngày. Ăn liền 3 ngày.
  • Cháo thịt rùa: thịt rùa 100g, thịt chó 50g, gạo 100g, bột gia vị vừa đủ. Thịt rùa làm sạch ướp bột gia vị, cho vào nồi thêm nước ninh thật nhừ. Thịt chó rửa sạch băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín. Gạo xay thành bột. Khi thịt rùa nhừ cho thịt chó, bột gạo vào đảo đều, đun tiếp đến khi cháo chín là được. Chia 2 lần ăn trong ngày. Ăn liền 3 ngày.


Ngoài ra, kết hợp xoa các huyệt: khí hải, trung cực, khúc cốt, khúc tuyền, tam âm giao, thận du, bàng quang du. Mỗi huyệt trong khoảng 1 phút, các huyệt ở bụng xoa theo chiều kim đồng hồ.           
Lương y Đình Thuấn

Tim lợn hâm thuốc chữa nhiêu bệnh

Tim lợn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất quen thuộc trên bàn ăn của mỗi gia đình. Các món ăn hấp dẫn từ tim lợn không những giúp bạn đổi khẩu vị, ngon miệng mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng trị bệnh. 

Theo Đông y, tim lợn vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; vào tâm, phế. Có tác dụng ích khí, bổ tâm, chữa kinh giản thương phong, trợ lực cho phụ nữ sau sinh. Sau đây là một số món ăn - bài thuốc từ tim lợn.
Tim lợn tiềm ngọc trúc: tim lợn 100g, ngọc trúc 100g, gừng tươi 15g, hành sống 15g. Ngọc trúc nấu lấy nước bỏ bã. Tim lợn làm sạch, cho nước gừng, hành và nước ngọc trúc vào, luộc chín, đun tiếp cho tim lợn chín nhừ và vớt tim ra đĩa; cho tiếp gia vị muối mắm, đường trắng bột ngọt, đun tiếp tạo thành nước canh đặc và đổ lên quả tim; sau đó đổ dầu vừng lên là được. Dùng cho các bệnh nhân có bệnh mạch vành, bệnh tim phổi, đái tháo đường, lao phổi.

Tim lợn hầm chu sa: chu sa 1,5g, tim lợn 1 quả. Chu sa tán bột, tim lợn làm sạch, rạch 1 lỗ cho chu sa vào, buộc khâu kín lại, thêm nước nấu hầm chín, thêm gia vị, ăn tim lợn chín và nước canh. Dùng cho bệnh nhân bồn chồn kích động, mất ngủ, suy nghĩ lo âu.
Tim lợn hầm bá tử nhân: tim lợn 1 quả; bá tử nhân 30g. Tim lợn bóc màng rửa sạch, rạch 1 lỗ cho bá tử nhân vào, khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ. Khi ăn cho thêm gia vị phù hợp. Dùng cho bệnh nhân loạn nhịp tim, đánh trống ngực hồi hộp, lo âu, mất ngủ quên lẫn.

Tim lợn hầm ngũ vị tử: tim lợn 1 quả, ngũ vị tử 9g. Tim lợn rửa sạch, rạch 1 lỗ cho ngũ vị tử vào khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ. Dùng cho bệnh nhân hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi, kích ứng, khát nước.
Tim lợn hầm tương đậu xị: tim lợn 1 quả, đậu xị 50g, hành, gừng, tương, giấm, rượu nhạt và các gia vị khác liều lượng thích hợp. Tim lợn rửa sạch, thêm ít nước và các gia vị trên hầm nhỏ lửa cho chín nhừ cạn nước, tắt bếp, để nguội thái lát mỏng cho ăn. Dùng cho trường hợp tâm huyết hư, hồi hộp lo âu, sản phụ sau sinh hồi hộp tim nhịp nhanh, lo âu xúc cảm.
Tim lợn hầm xương bồ: tim lợn 300 - 500g, xương bồ 6 - 9g. Xương bồ tán mịn, tim lợn rửa sạch thái lát nấu canh. Trước khi ăn, cho xương bồ tán vào. Dùng cho các trường hợp động kinh, kinh giật, ù tai, điếc tai, quên lẫn, giảm trí nhớ.
Tim lợn hầm hạt sen, mạch môn: mạch môn 20g, hạt sen 15g, tim lợn 1 cái. Tim lợn rửa sạch thái lát. Tất cả cùng nấu nhừ, thêm gia vị. Dùng cho người cao tuổi bị mất ngủ.

Tim lợn hầm nga truật: nga truật 25g, tim lợn 1 quả. Tim lợn làm sạch thái lát, nga truật xay nhỏ. Hầm chín, thêm gia vị cho ăn. Liên tục 1 đợt 5 - 7 ngày. Dùng cho các trường hợp trướng bụng đầy tức, ăn không tiêu.

Tổng hợp món ngon từ sứa

Con sứa trong veo, mềm mại và lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, nhìn đẹp mắt, nhưng khi mất nước và săn lại, sứa được chế biến thành nhiều món ăn thanh mát, giúp xua tan cái nóng bức mùa hè.
 
Món ăn từ sứa thường dễ chế biến, nhưng khâu quan trọng nhất là làm sạch sứa. Sứa tươi thường chỉ xuất hiện theo mùa, mỗi vùng mỗi khác nhưng đa số vào mùa hè. Mình sứa chứa nhiều nước nên dễ tan chảy, khi mua về đem ngâm trong nước có pha lá ổi để sứa săn lại và loại bỏ bớt mùi tanh, khi chế biến sứa sẽ giòn. Người ta thường muối sứa để bảo quản, nếu dùng sứa muối nên ngâm từ 10-12 giờ và thay nước nhiều lần để sứa nhạt. Sứa tươi hay sứa muối, sau khi cắt miếng vừa ăn nên chần qua nước ấm rồi chế biến mới ngon.
Gỏi sứa là món có nhiều biến tấu nhất, nguyên liệu để trộn gỏi cũng rất đa dạng nhưng không thể thiếu mè rang và rau thơm. Dùng sứa chua ngọt (có bán tại các siêu thị) hoặc sứa muối thái sợi ngâm trong nước giấm đường, trước khi trộn gỏi nên vắt thật ráo. Ức gà luộc chín, xé thành sợi và tôm hấp chín, lột vỏ. Dưa leo, cà rốt, củ cải trắng bào mỏng ngâm giấm đường, vắt ráo. Cho tất cả vào thau lớn, rưới nước mắm chua ngọt, trộn đều, mè rang và rau thơm cắt nhỏ trộn sau cùng. Dùng ngay với bánh phồng tôm hoặc bánh tráng nướng. Nếu thích ăn đơn giản, chỉ cần trộn sứa với nước tương, dầu mè, giấm đường, khi ăn rắc thêm mè rang lên.
Sứa xào thịt bò, nấm đông cô dùng với cơm. Thịt bò cắt miếng mỏng ướp với tỏi băm nhuyễn, nước tương và ít bột ngọt. Nấm đông cô tươi cắt bỏ gốc, ngâm nước muối, rửa sạch. Cà rốt cắt lát, cần tây cắt khúc, hành tây cắt múi cau. Sứa sơ chế xong cắt miếng vừa ăn. Phi thơm tỏi rồi cho thịt bò vào đảo nhanh tay, múc thịt ra để riêng. Cho tiếp nấm đông cô, hành tây, cà rốt và cần tây vào xào, nêm nếm vừa ăn, cho sứa vào đảo đều, tắt lửa rồi cho thịt bò vào trộn đều, rắc tiêu và ít ngò lên dùng nóng.

Bạn cũng có thể dùng sứa nấu canh với xương, vừa mát lại vừa bổ, đặc biệt nhiều i-ốt. Chọn xương vai hoặc xương ống, rửa sạch rồi cho vào nồi nước bắc lên bếp, nước sôi vớt bọt và cho sứa cắt miếng vào hầm chung, thêm ít bột nêm. Sứa vừa chín cho thêm củ cải trắng cắt khúc vào hầm đến khi mềm thì nêm lại gia vị và múc ra dùng nóng với cơm.
Nổi tiếng trong các món sứa là bún sứa, có nguồn gốc từ miền Trung. Nước dùng nấu bằng đầu và xương cá biển, sau đó lọc lấy nước. Cũng có thể nấu nước dùng bằng xương heo, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho dầu điều vào để màu được đẹp. Sứa sơ chế xong cắt sợi. Phi thơm tỏi rồi cho sứa vào xào sơ, nêm ít hạt nêm. Nạc cá thu quết nhuyễn với hành, tỏi, tiêu và gia vị vừa ăn, sau đó đem một nửa chiên vàng, một nửa hấp chín rồi cắt miếng vừa ăn. Bún trụng nóng, cho vào tô xếp chả cá chiên, chả cá hấp, sứa và hành ngò lên mặt, chan nước dùng rồi ăn nóng với rau giá, ớt tươi và chanh.
Cũng là bún, nhưng ngoài món bún sứa nước dùng còn có món bún sứa xào thịt nạc ăn với nước mắm chua ngọt. Sứa sơ chế xong để ráo. Thịt nạc rửa sạch, ướp với hạt nêm và hành tỏi băm nhuyễn. Ngoài bún tươi, nhớ chuẩn bị thêm rau sống đủ loại, xà lách, giá sống, dưa leo cắt sợi, đậu phộng rang vàng bỏ vỏ đâm nhỏ và đừng quên tô nước mắm chua ngọt. Phi thơm tỏi, cho thịt vào xào, thịt chín cho sứa vào đảo nhanh tay và nêm gia vị vừa miệng rồi tắt bếp. Cho rau, bún vào tô, để hỗn hợp sứa, thịt lên mặt, thêm ít hành lá phi, đậu phộng rang rồi chan nước mắm vào dùng.
Nhã Văn

Giọt mật say lòng người

Mật ong thơm ngon dùng làm nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng trong bữa cơm gia đình. Ngoài ra, mật ong còn được dùng làm thuốc quý để chữa bệnh và là dược liệu đặc biệt chăm sóc sắc đẹp cho phụ 
nữ.

Mật ong có 2 loại: mật ong rừng và ong nuôi. Để lấy được mật ong từ tổ ong rừng rất công phu, các thợ săn mật có thể dùng phương pháp truyền thống như đốt lửa để xua bầy hay dùng tiếng động, ánh sáng để dụ ong bay đi… Đối với ong nuôi thì dễ dàng hơn nhiều vì bầy ong đã được huấn luyện theo quy trình.
Cũng chính vì vậy mà mọi người vẫn thường phân biệt hai loại mật ong rừng và mật ong nuôi, và coi trọng hương vị mật ong từ núi rừng hơn. Về hương vị, mật ong rừng nguyên chất thường có độ ngọt đậm hơn ong nuôi nhưng nếu dùng làm thuốc chữa bệnh thì các nghiên cứu đều chứng minh hai loại mật ong này có tác dụng như nhau.
Từ thời xa xưa, ông cha ta đã phát hiện ra công dụng đặc biệt của mật ong dùng làm thuốc chữa bệnh phổi, ho lâu ngày bằng cách cho mật ong cùng với quýt chua hay vỏ chanh vào nồi hấp chín, rồi uống liên tục trong nhiều ngày. Ngày nay, các bác sĩ khuyên những người thường xuyên bị suy nhược cơ thể, viêm họng, táo bón…, có thể uống mật ong pha với chút nước ấm hay mật ong đặc để bồi bổ cơ thể phòng chống bệnh.
 
Mật ong có nhiều tác dụng dưỡng sức khỏe và làm đẹp. Nguồn ảnh: internet
Mật ong rừng không chỉ là phương thuốc khắc chế nhiều loại bệnh mà còn làm say lòng người với nhiều món ăn hấp dẫn. Đơn giản là món khoai lang chiên vừng tẩm mật ong nhâm nhi vào buổi chiều thu mát mẻ hay món chuối nướng tẩm mật ong rừng cho cơn đói chiều cồn cào hơn, níu chân người đi đường ghé lại xe chuối bán rong. Trong các bữa tiệc lớn hay mâm cơm gia đình cũng xuất hiện nhiều món từ mật ong như: sườn heo nướng mật ong, ức vịt nướng mật ong, đùi gà nướng mật ong mù tạc, chả giò mật ong hải sản, kem mật ong… Mỗi món là một cách chế biến khác nhau nhưng hương vị mật ong lúc nào cũng ngọt ngào thơm phức. Ngoài ra, mật ong còn được sử dụng để làm dược liệu chăm sóc da, môi, tóc…

Chè trái cây mật ong 

Nguyên liệu:
  • Kiwi: 2 trái 
  •  Dưa hấu: ¼ trái
  •  Dưa lưới: ¼ trái 
  •  15ml mật ong, 1 ít đá bào, 2 lát chanh tươi trang trí.
Cách làm:
  • Kiwi chọn loại ruột xanh, rửa sạch, gọt vỏ, dùng vá tròn múc thành viên.
  • Dưa hấu, dưa lưới rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, múc viên tròn như kiwi.
  • Cho kiwi, dưa hấu, dưa lưới vào ly rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh 20 phút.
  • Lấy ly chè trái cây ra, rót mật ong vào, cho thêm ít đá bào vào để bớt ngọt, trang trí với lát chanh. Dùng lạnh.

Thanh long nướng phô-mai 

Nguyên liệu:
  • Thanh long: 1 trái 
  •  Cà chua: 1 trái 
  •  Thơm: 50g 
  •  50g xoài, 50g kiwi, 50g phô-mai vụn, 5ml mật ong, 5g muối, 3g tiêu xay, 1 lá bắp cải tím, 1 lá cải thìa, 1 nhánh hành lá.
Cách làm:
  • Thanh long rửa sạch, cắt đôi, ½ trái tỉa bông hoa, ½ còn lại gọt vỏ cắt hạt lựu. Cà chua rửa sạch, lột vỏ, nạo sạch ruột. Thơm, kiwi rửa sạch, gọt vỏ, cắt hạt lựu. Xoài gọt vỏ, bỏ hạt, cắt hạt lựu như thơm. Lá bắp cải, cải thìa, hành lá rửa sạch.
  • Trộn đều thơm, xoài, kiwi, thanh long cắt hạt lựu với phô-mai, muối, tiêu và mật ong sau đó cho vào cà chua đã nạo sạch ruột. Úp cà chua vào mặt thanh long đã tỉa hoa rồi đem nướng vàng.
  • Dọn món ra đĩa, trang trí với bắp cải, cải thìa và hành lá, dùng nóng.
Cá thu áp chảo ăn kèm khoai lang tẩm mật ong
Nguyên liệu:
  • Cá thu: 300g 
  •  Khoai lang: 20g 
  •  Lá rosemary: 3g 
  •  1 củ gừng, ¼ thìa cà phê muối, ¼ thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê đường, 20ml mật ong, 2 thìa súp bột năng, 20ml dầu ăn.
Cách làm:
  • Gừng thái sợi. Cá thu rửa sạch, ướp với lá rosemary, muối, đường, gừng, tiêu, để 15 phút cho thấm. Làm nóng ít dầu ăn, cho cá vào áp chảo vàng đều hai mặt với lửa lớn.
  • Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng bản lớn rồi ngâm vào nước lạnh có pha chút muối để không bị thâm, sau đó vớt ra để ráo. Lăn khoai qua bột năng để không bị bắn khi chiên.
  • Đun nóng dầu ăn, cho khoai lang vào chiên vàng, vớt ra giấy thấm dầu. Hòa mật ong với nước lạnh, đun cho sánh lại rồi nhanh tay cho khoai lang vừa chiên vào, đảo đều.
  • Dọn cá ra đĩa, ăn kèm với khoai lang chiên.
Nguyễn Mận (Món ngon Việt Nam)

Gợi ý các món ăn ngon cuối tuần

Không cần quá cầu kỳ chị em cũng có thể nấu các món ăn ngon cho gia đình vào cuối tuần.
Mực trứng hấp gừng


Chỉ mất vài phút chuẩn bị và chế biến bạn đã có ngay món mực trứng hấp gừng thơm ngon rồi.
Nguyên liệu:
- Mực trứng
- Dầu hào
- Hành, gừng
Cách làm:
Mực trứng rửa sạch, ướp với dầu hào.
Gừng thái chỉ, hành cắt khúc.
Rắc hành + gừng phủ lên trên mực.
Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín đĩa mực (có thể dùng tăm châm lỗ để khi hấp mực màng bọc không bị phồng).

Đặt vào lò vi sóng, bật công suất trung bình, quay trong 2 phút là mực chín. Nếu nhà không có lò vi sóng thì các bạn hấp cách thủy theo cách thông thường nhé. Cách làm này áp dụng với hầu như tất cả các món hấp, không những nhanh, đơn giản mà còn tiết kiệm được khá nhiều thời gian cũng như công sức ở trong bếp của chúng ta đấy.
Chúc bạn thành công và ngon miệng với món mực trứng hấp gừng nhé!
Tôm rang thịt ba
Tuy đơn giản nhưng món ăn này luôn "đắt khách" trong các bữa cơm gia đình.
Tôm rang thịt ba chỉ khiến bữa cơm thêm hấp dẫn.
Nguyên liệu:
  • Tôm sú hoặc tôm lớt
  • Thịt ba chỉ
  • Hành khô, hành lá
  • Nước mắm, hạt tiêu
Cách làm:

Tôm các bạn bóc bỏ đầu và vỏ, rút phần chỉ đen ở lưng tôm.
Hành khô băm nhỏ, phi thơm với dầu ăn rồi trút tôm vào xào săn cùng với nước mắm, trút riêng ra 1 bát.
Thịt ba chỉ thái miếng vừa ăn, đem rang đến khi thịt có độ vàng xém cạnh, rồi các bạn mới cho nước mắm vào, hạ nhỏ lửa để nước mắm ngấm đều vào thịt.
Trút tôm vào chảo thịt đang rang trên bếp, đảo đều khoảng 5 phút rồi cho hành lá đã thái nhỏ vào, tắt bếp. Rắc thêm chút hạt tiêu cho tôm rang thịt ba chỉ thêm phần hấp dẫn.

Vì tôm đã được rang săn với hành khô và nước mắm nên khi cho vào rang chúng với thịt không hề bị tanh.
Trái lại, thịt rang lại rất thơm, vị ngọt của tôm lại quyện đều vào thịt, đồng thời phần mỡ béo tiết ra từ thịt cũng ngấm đều vào tôm tạo thành 1 món ăn hài hòa cả về màu sắc lẫn hương vị.
Canh dưa leo tôm, thịt
Món canh vừa ngọt vị tôm vừa mát vị dưa leo, lại rất dễ làm.
Chị em lưu ý, trong món canh dưa leo tôm, thịt cần ninh dưa leo thật lâu, như vậy nước canh mới ngon ngọt.
Nguyên liệu:
  • 3 trái dưa leo (khoảng 500 gram)
  • 100 gram thịt heo xay
  • 100 gram tôm thẻ
  • 1 củ cà rốt
  • Gia vị
Thực hiện:

Dưa leo rửa sạch, để nguyên vỏ, cắt khúc hơi dầy. Cà rốt gọt vỏ, xắt khoanh vừa, có thể tỉa hoa hoặc dùng khuôn cắt thành các hình dáng đẹp mắt cho món canh thêm sinh động.
Tôm lột vỏ, băm nhuyễn rồi trôn đều với thịt. Ướp vào tôm thịt ít hạt nêm, bột ngọt và tiêu xay.
Đun sôi nước rồi cho dưa leo vào nấu lâu cho thật mềm.
Khi dưa leo mềm, cho tiếp cà rốt vào nấu.
Vo tôm thịt thành từng viên nhỏ rồi thả vào nồi canh.

Nêm nếm lại với hạt nêm và bột ngọt, dằn xíu nước mắm cho món canh thêm đậm đà. Tắt bếp, dùng nóng với cơm.
Nước canh dưa leo tôm thịt thanh ngọt, trong veo, cùng với hương dưa leo mát lành sẽ mang đến cho bạn một khẩu vị hoàn toàn mới lạ.
Món canh dưa leo tôm thịt tuy rất đơn giản, nhưng lại rất bổ dưỡng. Dưa leo cung cấp các chất xơ, canxi, sắt, vitamin C…, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị phù thủng, kiết lị… Món canh này thích hợp dùng vào các mùa trong năm. Chúc các bạn thành công
Cải mèo chấm trứng
Món ăn tuy đơn giản nhưng lại mang lại cảm giác lạ, lôi cuốn cho bữa cơm.
Cải mèo là một loại rau họ cải được người dân tộc Mông ở vùng cao trồng rất nhiều. Cây cải mèo thuộc hàng rau có bẹ, thân dài, màu xanh đậm, lá cây nhăn và viền lá xoăn điệu đà, cầu kỳ.
Được tự nhiên chọn lọc khắt khe nên cải mèo có sức sống mãnh liệt: người dân vùng cao chỉ cần vãi hạt ven nương lúa, nương khoai… rồi để cây mọc tự nhiên, vậy mà cải mèo vẫn cựa mình để sống, để mơn mởn xanh tươi. Chị em có thể tìm mua cải mèo về luộc cho cả nhà thưởng thức nhé!

Nguyên liệu:
  • Rau cải mèo: 1 bó
  • Trứng gà: 3 quả
  • Nước mắm ngon: 1 bát nhỏ

Cách làm:
Rau cải các bạn nhặt bỏ phần lá già, dập úa. Rửa sạch rồi cắt khúc ngắn vừa ăn.
Thả trứng vào luộc từ khi nước lạnh để tránh bị nứt vỡ trong quá trình luộc. Sau khi nước sôi khoảng 5-7 phút là trứng chín, các bạn vớt trứng ra ngâm ngay vào bát nước lạnh cho róc vỏ, khi bóc sẽ dễ dàng hơn.

Đun nước thật sôi mới thả rau vào luộc, nhấn cho rau chìm trong nước rồi đậy vung lại.

Trứng bổ đôi hoặc bổ làm tư, chuẩn bị một bát nước mắm ngon, khi nào ăn các bạn dầm nhuyễn lòng đỏ trứng với nước mắm rồi chấm rau vào đó nhé.
Rau cải mèo còn được gọi là cải đắng bởi cái vị nhặng nhặng đắng nhưng khi ăn xong chỉ còn vị ngọt rất riêng đọng lại nơi vị giác, thật khó có thể quên.
Tổng hợp

Phá cách với thịt kho

Dù chế biến kiểu nào, thịt kho vẫn luôn là món ăn hấp dẫn và rất được yêu thích. Thịt kho là món ăn phổ biến ở một số nước châu Á. Và ở mỗi nước, thịt kho lại được chế biến theo một cách khác nhau. Nhưng dù là cách kho truyền thống hay kiểu sáng tạo, phá cách hiện đại thì thịt kho vẫn luôn là món ăn hấp dẫn, được mọi người đón nhận.
Nhắc tới thịt kho tàu, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đây là món ăn của người Trung Hoa. Qủa thực, cộng đồng người Hoa ở Trung Quốc hay ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới đều biết và coi thịt kho như một món ăn mang nét văn hóa của dân tộc. Tuy có đôi nét giống với món thịt kho tàu của người Hoa nhưng thịt kho theo kiểu Việt lại có bản sắc riêng: không sử dụng xì dầu, quế, hay hồi làm gia vị chính mà người Việt dùng nước mắm nguyên chất chế biến từ nguồn cá tươi của biển để tạo nên hương vị đậm đà cho nồi thịt kho. Thịt kho là một món ăn mà bất kỳ người nội trợ Việt nào cũng có thể nấu. Không cần quá cầu kỳ, chỉ là mua một miếng thịt heo lớn, có cả nạc lẫn mỡ rồi ướp với chút gia vị đường, muối, bột ngọt, nước mắm, kho nhỏ lửa cũng có món thịt kho thơm lừng, béo ngậy đãi khách quý hay đơn giản là món chính trong mâm cơm sum vầy. Thịt kho cũng là món gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo MasterChef US 2012 khi Christine Hà chọn làm món chính cho phần thi của mình. Và sau đó, cô đã đoạt quán quân MasterChef.

Thịt kho là món ăn phổ biến ở một số nước châu Á
Không chỉ người Việt mê thịt kho mà các đầu bếp nước ngoài cũng yêu thích và sáng tạo thêm nhiều nguyên liệu, gia vị vào món ăn này, tạo nên nét phá cách đặc biệt cho món. Ví dụ như món thịt ba rọi xốt với mù tạc ăn kèm củ cải muối và khoai tây nướng. Vẫn lựa chọn nguyên liệu chính là những miếng thịt ba rọi tươi, ngon, cắt miếng lớn nhưng thay vì kho theo kiểu truyền thống, thịt được hầm trong nước dùng gà và nước tương đến khi thật mềm. Không phải là trứng hay quế, hồi mà là những miếng khoai tây nướng và củ cải muối dùng kèm, không phải nước thịt kho mằn mặn, đậm đà mà là xốt mù tạc cay cay, nồng nồng được trang trí chung với miếng thịt kho sậm màu hấp dẫn.
Sáng tạo, phá cách từ những món ăn dân dã, bình dị như thịt kho cũng là cách để các đầu bếp thể hiện tài năng và sự chuyên nghiệp của mình.
Theo Hoàng Thụy (Món ngon Việt Nam)

Quán nướng hút khách bên kênh Nhiêu Lộc

Xiên que tôm, mực hay cánh gà... là những món nướng quen thuộc nhưng vẫn thu hút rất đông thực khách ghé đến đây vào mỗi chiều tối.
Không có gì khác lạ so với các quán nướng khác ở Sài Gòn, nhưng vị trí thoáng mát bên bờ kênh Nhiêu Lộc đoạn ngay chân cầu Trần Khánh Dư (quận Phú Nhuận) làm cho quán trở nên đặc biệt hơn. Không gì thú vị bằng trong cái thời tiết oi bức của Sài Gòn như hiện nay, được ngồi bên những món ăn ngon và tận hưởng những cơn gió mang theo hơi nước mát lạnh từ bờ kênh thổi vào.
Nhìn vào thực đơn của quán, bạn sẽ nhận ra rất nhiều món nướng quen thuộc như: tôm, canh gà, thịt heo, thịt bò, mực, bạch tuộc, chim cút.... Tất cả đều được ướp gia vị và để sẵn trong từng chiếc khay trên kệ đồ ăn. Điểm thú vị nữa là bạn tự tay nướng chín thực phẩm ngay tại bàn, hương thơm nức từ món ăn theo làn khói tỏa ra thật kích thích vị giác của mọi người xung quanh.
Bên cạnh những xiên nướng, thực đơn ở đây còn hấp dẫn thực khách với món cá sơn gà cháy tỏi. Đây là loài cá rất hiếm được đánh bắt ở vùng biển Khánh Hòa. Cá chỉ to hơn hai ngón tay, nhưng thịt cá mềm và ngọt không khác gì thịt gà, nên thực khách đến đây đều gọi món ăn này để thưởng thức. Tuy nhiên, vì số lượng cá này không có nhiều nên nhiều khi bạn phải đặt trước hai hay ba ngày mới có.
Món ăn này được chế biến đơn giản, cá sơn gà sau khi làm sạch, được khứa thành từng đường xéo hai bên thân. Ướp cá với một ít muối rồi chiên vàng. Tỏi sống lột sạch vỏ, thái thành từng lát mỏng rồi phi vàng, sau đó cho cá đã chiên vào xóc đều để tỏi bám vào cá. Món ăn với hương thơm thoang thoảng của tỏi thật quyến rũ, gắp một miếng cá, chấm vào chén nước tương ớt và thưởng thức, thịt cá mềm, ngọt thấm vào trong từng vị giác của bạn.
Ngoài ra, ở đây còn có các món cá nướng khác, món lẩu rau chạy (rau choại), rau chạy xào thịt bò... cũng rất ngon và lạ miệng đối với nhiều người. Nếu muốn có một địa điểm lý tưởng để vừa thoải mái ngồi ăn uống vừa trò chuyện cùng bạn bè thì đây là một địa chỉ gợi ý cho bạn: 117 Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1, TP HCM. Quán bán từ 16h00 đến 23h00 hằng ngày. Mỗi xiên que nướng ở quán có giá 19.000 đồng.
Huấn Phan

Nghẹn lòng cặp lồng cơm của học sinh miền núi

Chiếc cặp lồng cơm vừa mở ra, chúng tôi thấy sống mũi cay cay. Không có món ăn mặn chỉ có cơm trắng và một ít rau rừng nấu không có mỡ. Các em bảo với chúng tôi đó là rau đắng.
Đâu chỉ có nắng vàng
Thời điểm này, vùng núi cao Mù Căng Chải buổi sáng trời se lạnh, trưa và đến khoảng 4h chiều nắng hanh hao. Sự nghèo nàn, vắng lặng nơi đây khiến mỗi ai có dịp đến vùng đất này đều xót xa.
Nhiều học sinh ở huyện Mù Căng Chải vẫn hằng ngày xách cặp lồng cơm đạm bạc đi học. Từ lâu, Mù Căng Chải được nhắc đến với ruộng bậc thang, những hình ảnh lúa vàng dập dờn, sóng sánh theo từng cơn gió thổi và đẹp long lanh trong mắt của nhiếp ảnh gia, các "tín đồ phượt" miền xuôi.
Nơi đây được các "tín đồ phượt" nhắc đến như một cung đường phải đến trong cuộc đời. Và cũng theo họ, những hình ảnh nghèo đói, thiếu thốn, đặc biệt là của các em nhỏ đã ám ảnh họ.
Những đứa trẻ xách cặp lồng cơm đến trường
Từng nghe và ao ước được họ trải nghiệm, tôi cũng một lần muốn được tận mắt nhìn thấy những cung đường cua tay áo mà đi hết một cua tay là có thể nhìn toàn cảnh cả đoạn đường vừa đi qua. Cách Hà Nội gần 400km, quãng đường không quá xa nhưng những gì mà ai đã một lần qua đây sẽ nhớ mãi là thử thách ở đèo Khau Phạ, nằm giáp ranh giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Căng Chải. Đèo nằm ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Mỗi lúc đi qua một đoạn đèo, hành khách sẽ có cảm giác ù tai, đủ để thấy sự chênh lệch độ cao từ chân đèo đến đỉnh.
Giữa những con đường dốc đến hàng chục độ, bất ngờ có một lối mòn dẫn lên những ngọn núi xung quanh. Theo lý giải của chị Nguyễn Thị Huệ, một cô giáo tiểu học đi nhờ xe chúng tôi trong hành trình thâm nhập thực tế, con đường này hình thành là do dân khai thác gỗ lăn gỗ xuống đường cái chờ vận chuyển.
Cô giáo Huệ quê gốc ở Thái Bình, theo bố mẹ đi làm kinh tế mà di cư lên đây. Cô đi nhờ xe chúng tôi từ Tú Lệ lên Mù Căng Chải. Theo cô giáo Huệ thì những chuyến xe khách vào gần những ngày nghỉ lễ thường rất đông. Vì có việc xuống thị trấn Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến khi về thì xe quá chật, cô giáo không chịu được nên xuống giữa đường.
Khi chúng tôi hỏi: "Xuống giữa đường nhỡ đến tối không bắt được xe thì sao?". Cô giáo tỏ ra kinh nghiệm và bảo: "Cứ gần những ngày cuối tuần, đứng ở đường kiểu gì cũng vẫy đi nhờ được xe của những dân phượt".
Chiếc cặp lồng một món
Chiếc cặp lồng một món
Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp mơ màng, sự hiểm trở đầy lôi cuốn đó là một cuộc sống vất vả đến tột cùng của người dân nơi đây. Tôi tạm gác lại những thảm ruộng bậc thang đầy quyến rũ, để men theo từng triền núi, chạy xe chênh vênh quanh các đỉnh đồi để đến với các em nhỏ ở Chế Cu Nha. Ở vùng núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển, những đứa trẻ đứng trong nắng chiều, lộ bụng và cả sự buồn thương...
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bắt gặp một nhóm các em học sinh lanh lẹ, xách theo những chiếc cặp lồng cơm đi học. Qua tìm hiểu tôi được biết, các em đang học tiểu học ở Chế Cu Nha (Mù Căng Chải). Thấy chúng tôi, các em cười khá hồn nhiên. Chúng tíu tít như đã quen thân từ lâu.
Chúng bảo, thi thoảng vẫn gặp các anh chị "giống" chúng tôi lên đây và được cho rất nhiều bánh kẹo và sữa. Dự trù được "tình huống" này giống như những lần đi Sapa (Lào cai), chúng tôi chia kẹo cho các em và đề nghị được khám phá cặp lồng cơm. Một cậu bé có vẻ "nhỉnh" nhất bảo: "Bữa trưa của chúng cháu đấy!".
Chiếc cặp lồng cơm vừa mở ra, chúng tôi thấy sống mũi cay cay. Không có món ăn mặn chỉ có cơm trắng và một ít rau rừng nấu không có mỡ. Các em bảo với chúng tôi đó là rau đắng. Một em tỏ ra khá "hiểu biết" bảo: "Bố mẹ cháu và bà còn toàn ăn ngô". Những chiếc cặp lồng cơm đạm bạc và bộ quần áo lấm lem, nhiều vết bùn đất chứng tỏ, các em đã trải qua một cuộc hành trình dài để đến trường.
Chị Hạng Thị Dê ở xã Cao Phạ chia sẻ: "Gia đình người Mông đều làm nhà ở lưng chừng núi, có nhà cách nhau cả quả núi nên điểm trường cách nhà cả chục km là chuyện bình thường. Trẻ con người Mông quen leo đèo, lội suối rồi. Các em phải dậy sớm, để đi bộ còn kịp giờ học". Nhìn những chiếc nồi đen không có dấu vết của dầu mỡ, chúng tôi hiểu tại sao, cặp lồng cơm của con cái họ chỉ có một món cơm trắng.
Tôi nhớ một lần được một thầy giáo từng dạy ở đây ba năm, trước khi chuyển công tác về xuôi kể về không ít lớp học mà giáo viên lớp này dạy thì giáo viên lớp khác cũng nghe thấy. Mỗi buổi sáng sớm, cả thầy và trò phải chịu cái lạnh tê tái luồn qua những khe hở giữa những tấm tôn mỏng của phòng học lắp ghép khiến các em học sinh trong những bộ quần áo phong phanh không khỏi run lên vì lạnh. Có những ngày mùa đông, nhiệt độ ở đây chỉ còn 50C nên những lớp học lắp ghép tạm bợ không thể ngăn giá rét.
Anh Nguyễn Văn Việt, thành viên của một nhóm phượt đang trải nghiệm ở Mù Căng Chải chia sẻ nỗi niềm về sự thiếu thốn của trẻ nhỏ ở đây. Trong câu chuyện của anh Việt và bạn bè thì hình ảnh của những em học sinh ở trường tiểu học Mồ Dề (xã Mồ Dề) cầm cặp lồng cơm đến rồi đổ ụp một bát nước lã vào âu cơm, ăn ngon lành, thật sự ấn tượng. Anh Việt thấy lạ, hỏi cháu làm thế để làm gì, cậu bé liền trả lời "để ăn".
Theo lời anh Việt, các em bảo bữa ăn của các em chan nước lã, không thức ăn, không mắm muối. Anh Việt bảo, từ những điều trông thấy, khi trở về Hà Nội, anh sẽ cố gắng vận động bạn bè quyên góp và tổ chức các chuyến đi lên lại nơi này. Hình ảnh chiếc cặp lồng cơm một món không chỉ khiến tôi mà bất cứ ai từng đi lên Mù Căng Chải đều thấy sống mũi cay cay.         
Hoàng Mai

Gà chiên pho mai vừa ngon vừa chất

Đây là một món ăn kiểu Pháp rất ngon miệng và dễ làm. Nên nếu bạn ghiền các món Âu liên quan đến phô mai thơm ngậy, nhất định bạn phải thử trổ tài nấu nướng với món gà này.


Nguyên liệu:
  • Ức gà để nguyên miếng
  • Pho mai Mozazella: 50g
  • 1 quả cà chua, 1 quả dưa chuột
  • 20g bơ, 10g bột mỳ
  • Tỏi, hạt tiêu, muối, bột nêm
Cách làm:
  - Rửa sạch thịt gà rồi đặt lên thớt, dần đều cho thịt mềm ra.
   - Dùng dao khéo léo phanh đôi miếng ức gà nhưng vẫn dính một đầu.
  - Sau đó, mở miếng thịt ra, rắc chút muối và hạt tiêu lên...
   ... rồi đặt pho mai đã thái miếng vào.
   - Đóng miếng ức gà lại.
   - Dùng bột mì phủ bên ngoài miếng gà.
Lưu ý, phủ bột mì 3 lần theo nguyên tắc: làm bột khô, rồi làm bột ướt (tay nhúng chút nước rồi ), sau đó lại làm bột khô.
  - Mục đích của việc phủ bột mì là để miếng ức gà định hình, không bị bung mép.
   - Chảo khô làm nóng rồi hạ nhỏ lửa, sau đó cho ít dầu ăn và bơ vào.
   - Dầu và bơ sôi thì thả gà vào rán với lửa vừa.
   - Khi một mặt miếng gà đã chín, lật lên rán mặt còn lại. Lúc này, dùng một chiếc vung đậy lại.
- Như vậy là bạn đã hoàn thành xong miếng ức gà chiên pho mai.
   - Trong lúc chờ gà chiên xong, bạn làm salad để trình bày và ăn kèm.
- Cà chua, dưa chuột bỏ ruột thái hạt lựu cho vào bát.
- Đổ chút tương cà, mayonaise, chút dấm, dầu ăn, muối, hạt tiêu và vắt ít chanh vào, sau đó trộn đều lên.
   - Để món ăn đẹp mắt, bạn có thể dùng một chiếc khuôn định hình đặt ở một góc của chiếc đĩa lớn. Sau đó, đổ phần salat bạn vừa trộn vào khuôn.

  - Cuối cùng, thịt gà chiên đã chín đặt cạnh salad.
- Dùng dao dĩa chia nhỏ miếng thịt, bóp tương cà theo chiều dọc miếng thịt sao cho đẹp mắt.
Vậy là món ức gà chiên pho mai kiểu Pháp vừa ngon vừa chất đã hoàn thành. Thịt gà mềm quyện trong phomai dai dai thơm ngậy chắc hẳn sẽ khiến bạn thích thú. Món ăn rất thích hợp cho các cô gái muốn ghi điểm với người yêu dấu của mình, Nhưng lưu ý, bạn phải bảo đảm chàng là người biết thưởng thức và mê đồ Âu. 
Chúc bạn thành công với món ăn này !!!!

Gan ngỗng áp chảo xốt giấm Balsamic

Gan ngỗng là thực phẩm chứa nhiều acid béo không bão hòa và lượng cholesterol ít hơn các loại gan gia cầm khác. Tuy nhiên, điều khó nhất khi chế biến món này là phải đúng “gu” của món ăn để hạn chế vị béo vốn có của nó.
Đầu bếp Lý Anh Tú (Quán 48 - 48 Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM) sẽ hướng dẫn bạn món gan ngỗng áp chảo.
Thành phần:
  • 150g gan ngỗng
  • 50g bánh mì
  • 50g táo Mỹ
  • 50g dâu tây
  • 30ml giấm Balsamic
  • Muối tiêu vừa ăn.
Cách làm:
  • Bánh mì cắt lát nướng giòn. 
  • Táo Mỹ và dâu tây cắt hạt lựu.
  • Bắc chảo nóng, chiên gan ngỗng, sau đó cho táo và dâu tây vào, nêm muối tiêu vừa ăn.
  • Cho tất cả các thành phần trên ra đĩa, rưới xốt giấm Balsamic. Dùng nóng.
Lưu ý:
Có thể mua gan ngỗng ở các siêu thị lớn như Metro. Giấm Balsamic có thể mua ở các cửa hàng chuyên bán thực phẩm ngoại.
Nếu gan ngỗng không còn tươi, khi chế biến sẽ bị chảy nước. Khi áp chảo, cần chỉnh lửa vừa phải, vì lửa quá nóng sẽ làm miếng gan mất mỡ và mất đi độ béo; nếu thiếu lửa thì gan không chín tới, dễ bở và không đạt được vị thơm ngon.

Thưởng thức món ngon đường phố hà nội chưa tới 10.000

Chỉ có 10.000 đồng trong tay, bạn vẫn có thể thưởng thức được những món ngon đường phố tại Hà Nội.
 
1. Bánh bao chiên

Mỗi chiếc bánh bao chiên nhân thịt có giá từ 4.000-6.000 đồng. Món ăn này rất hợp để nhâm nhi những lúc về chiều. Bánh bao chiên thường được dùng với tương ớt hoặc nước chấm chua ngọt.

2. Thịt xiên nướng

Thịt xiên nướng là món ngon đường phố được nhiều người ưa chuộng. Mỗi xiên thịt có giá 6.000-10.000 đồng. Bạn cũng có thể trả thêm khoảng 2.000 đồng để thưởng thức món bánh mỳ kẹp thịt xiên ngon lành.


3. Bánh chuối, bánh khoai

5.000 đồng là mức giá vừa phải cho những chiếc bánh thơm ngon thế này. Vì món ăn vặt này khá ngấy nên chỉ thường bạn chỉ có thể được từ 1-2 cái mỗi lần.


4. Bánh giò

Với 7.000-10.000 đồng, bạn sẽ được thưởng thức một chiếc bánh giò thơm ngon với nhân thịt băm, mộc nhĩ. Nhiều người thích ăn bánh giò kèm với chút tương ớt hoặc hạt tiêu.



5. Bánh gối

Mỗi chiếc bánh gối nhân thịt và trứng cút có giá 7.000-9.000 đồng. Bánh gối là món quà vặt được bán khá nhiều ở Hà Nội. Món này thường được ăn cùng với nước chấm chua ngọt, nộm đu đủ và rau sống.


6. Quẩy

Những chiếc quẩy nóng ăn ngay này có giá từ 2.000-3.000 đồng/ chiếc. Cũng giống như bánh gối, quẩy được ăn kèm với nước chấm và rau sống.



7. Các loại que xiên rán

Những loại que xiên thế này được bán rất nhiều ở trước cổng các trường tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài những xiên nem chua rán hay xúc xích rán, còn có cả các loại viên cá và viên tôm nữa. Mỗi que xiên này có giá từ 5.000-7.000 đồng.


8. Bánh rán

Có 2 loại bánh rán là bánh mặn và bánh ngọt. Bánh rán ngọt thường có nhân đỗ với vỏ ngoài bao mật hoặc đường. Một chiếc bánh rán ngọt có giá khoảng 2.000-3.000 đồng. Bánh rán mặn có giá trung bình khoảng 4.000 đồng với nhân thịt, miến, mộc nhĩ và ăn kèm với nước chấm.


9. Trứng vịt lộn

Đây là món ăn rất bổ dưỡng được nhiều người ưa thích. Bạn có thể thưởng thức món này ở các gánh hàng rong hay các quầy hàng ăn vặt với giá từ 6.000-8.000 đồng.


10. Trứng cút lộn

Với 10.000 đồng, bạn có thể ăn 5 quả trứng cút lộn với nước chấm thơm lừng.


11. Nước mía

Nghỉ ngơi sau ngày làm việc căng thẳng, một cốc nước mía có giá từ 8.000-10.000 đồng sẽ nhanh chóng làm tan cơn khát cho bạn.


12. Bánh nhúng

Chỉ với 5.000 đồng, bạn sẽ được sở hữu một gói bánh nhúng giòn tan thơm ngậy.


13. Bò bía

Đây là món ăn ưa thích của chị em cũng như nhiều trẻ em. Chỉ với 5.000 đồng, một chiếc bò bía ngọt lịm, thơm mùi dừa và béo ngậy vị vừng sẽ thuộc về bạn.


14. Kem Tràng Tiền

Đây là một món quà vặt nổi tiếng của thủ đô. Một que kem như socola, đậu xanh, dừa ngọt lịm chỉ từ 7.000-8.000 đồng. Còn nếu muốn thưởng thức món kem ốc quế, bạn sẽ phải chi ra 12.000 đồng.


15. Các loại bỏng

Đây là món ăn vặt được các chị em vô cùng ưa thích, vì lai rai được lâu, lại ít béo. Giá của loại quà vặt này cũng rất "hạt dẻ", chỉ từ 6.000-8.000 đồng/lạng.


16. Sữa chua 

Thơm ngon, tốt cho tiêu hóa và giải nhiệt tốt, sữa chua là món ăn được rất nhiều người ưa chuộng. Một hộp sữa chua thường có giá khoản 5.000 đồng. Các loại sữa chua đủ vị tự làm ở các quán giải khát cũng có mức giá tương đương.


17. Khoai tây lốc xoáy

Tuy mới xuất hiện không lâu, nhưng khoai tây lốc xoáy đã nhanh chóng trở thành món quà vặt được nhiều người ưa thích. Một xiên khoai tây vô cùng đẹp mắt này có giá 10.000 đồng.


18. Quả chua dầm

Các thứ quả chua và giòn như xoài, mận, cóc, ổi (tùy theo mùa) trộn cùng đường, ớt bột bột là thứ quà vô cùng hấp dẫn đối với các chị em. Thức quà này có giá trung bình từ 8.000-10.000 đồng/ lạng (có thể cao hơn chút đỉnh tùy thời điểm và loại quả).



19. Caramen

Một món ăn cũ nhưng không bao giờ "hết mốt". Chỉ với 5.000 đồng, bạn đã có thể thưởng thức một cốc caramen béo ngậy.


20. Tào phớ

Đây là một trong những món ăn giải nhiệt mùa hè rất được ưa thích tại miền Bắc. Những lát óc đậu mềm, thơm, ngậy được chan nước đường hoa nhài thơm mát chỉ có giá từ 5.000-7.000 đồng/ bát. Có rất nhiều xe hoặc gánh phớ bán rong trên các tuyến phố Hà Nội.

Theo Trí Thức Trẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
type='text/javascript'/>