Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Món ngon đem lại giấc ngủ say nồng

Mất ngủ gây ra khá nhiều phiền phức cho bạn, hãy dùng những món ăn sau cải thiện giấc ngủ cho bản thân.

1. Cháo hạt sen: Hạt sen có tác dụng giúp an thần, dễ ngủ
Nguyên liệu: Gạo,  nước, hạt sen, mì chính, muối, hạt tiêu.
 Món ngon đem lại giấc ngủ say nồng
Cách chế biến
Gạo rửa sạch, để ráo nước
Hạt sen rửa sạch, để khô

Bước tiếp theo, hãy bỏ gạo vào nấu cùng với hạt sen. Đung nhỏ lửa trong vòng nửa tiếng.
Khi thấy hạt sen bở tơi, có mùi thơm, bạn hãy cho thêm gia vị vào cho vừa miệng và bắc ra.
 
Hạt sen có tác dụng giúp an thần, dễ ngủ
2. Gà tần ngải cứu: Món ngon dễ làm, rất ngon và cực kỳ bổ dưỡng
Nguyên liệu: Đùi và cánh gà: 500g, ngải cứu: 1 bó, nghệ tươi: 1 củ, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa súp rượu trắng, 2 thìa cà phê dầu ăn.
Cách chế biến
Gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Nghệ rửa sạch, gọt vỏ, đập giập. Cho gà vào nồi ướp với nghệ, muối, hạt nêm, để khoảng 20 phút cho thấm.

Ngải cứu nhặt phần ngọn, bỏ thân, rửa sạch. Gắp gà ra bát, sau đó cho ngải cứu vào nồi vừa ướp gà, nêm dầu ăn vào đảo đều, cho từng miếng gà lên, xếp xen kẽ với ngải cứu. Để 10 phút nữa cho gia vị thấm đều.
Gà tần ngải cứu bổ dưỡng sức khỏe
Đổ thêm 1 bát nước vào nồi, cho lên bếp đun lửa lớn đến khi sôi thì giảm lửa vừa khoảng 5 phút rồi tắt bếp, để nguội, lặp lại quy trình 1 lần nữa, cuối cùng cho thêm rượu vào cho gà dậy mùi thơm là được.
Ngoài ra bạn có thể bổ sung thêm một số thực phẩm để giấc ngủ có thể say nồng như: rau diếp, củ sen, táu tàu... Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng thần kinh.

Thịt viên kiểu mới cho bữa cơm tối lạ miệng

Khác với những món thịt viên thông thường khác, món thịt viên này được trộn cùng khoai từ, tạo vị bùi thơm rất đặc biệt cho món ăn.



Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm món thịt viên:
  • ½ củ cà rốt
  • 150g khoai từ (củ từ)
  • 300g thịt xay
  • 25g lòng trắng trứng
  • Gia vị: 10g gừng, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh nước tương.
Cách làm:
  • Bước 1: Gọt vỏ khoai từ, cắt thành miếng nhỏ. 
  • Bước 2: Hấp chín khoai từ, sau khi khoai chín bạn nghiền nhuyễn. 
  • Bước 3: Trộn đều thịt xay và khoai từ nghiền nhuyễn lại với nhau. 
  • Bước 4: Thêm lòng trắng trứng, gừng và muối vào trộn đều.
  • Bước 5: Thêm nước tương vào, trộn đều. 
  • Bước 6: Sau đó bạn vo thịt thành từng viên vừa ăn. Cà rốt rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi xắt lát mỏng. 
  • Bước 7: Kế đến, bạn đặt thịt viên lên từng lát cà rốt trên đĩa, cho vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 10 - 15 phút là được.Lấy thịt viên ra, ăn với cơm rất ngon. 
Khoai từ là thức ăn giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là tinh bột. Khác với những món thịt viên thông thường khác, nguyên liệu chủ yếu chỉ là thịt hay giò sống; món thịt viên này được trộn cùng khoai từ, tạo vị bùi thơm rất đặc biệt cho món ăn; khiến bữa cơm trở nên lạ miệng và ngon hơn bao giờ hết!
Chúc bạn thành công và có món thịt viên thật ngon nhé!

6 món ăn thuốc chữa viêm đường tiết niệu

Bệnh viêm đường tiết niệu là bệnh viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu (như thận, bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tiền liệt tuyến), nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn, thường gặp nhất là E.coli. 
Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, cả nam và nữ nhưng nữ mắc nhiều hơn. Bệnh cần được chữa trị sớm nếu không có thể dẫn tới biến chứng viêm thận. Ngoài việc dùng thuốc, Đông y có một số món ăn chữa bệnh này rất hiệu quả, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần.
  • Nước rau  dền cơm: rau dền cơm 50g (nếu khô thì 20g), lá mã đề 30g (khô 15g), cam thảo đất 10g (khô 5g). Nếu dùng lá tươi thì rửa sạch, giã nhỏ lọc bằng nước đun sôi để nguội, lấy nước đặc chia 2 lần uống trong ngày, uống liền 3 ngày. Nếu dùng lá khô thì đun lấy nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
  • Nước râu ngô: râu ngô 50g, lá mã đề 30g, đường trắng 20g. Râu ngô, lá mã đề rửa sạch, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, cho đường vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày lúc đói. Uống liền 3 ngày.
  • Nước dứa: dứa xanh 1 quả, đường phèn 10g. Dứa xanh chọn quả gần chín, nướng trên lửa khoảng 1-2 phút, lau sạch, ép lấy nước, cho đường phèn vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
  • Cháo hạt dành dành: hạt dành dành 20g, đậu đen 60g, đậu xanh 60g, gạo 100g, đường phèn vừa đủ. Hạt dành dành cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước. Đậu xanh, đậu đen, gạo vo sạch, cho vào nước hạt dành dành nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Chia ăn 2 lần lúc đói. Cần ăn liền 3 ngày.
  • Cháo chim sẻ: chim sẻ 5 con, gạo nếp 100g, hành tươi 20g, bột gia vị vừa đủ. Chim sẻ làm sạch, bỏ nội tạng, ướp bột gia vị khoảng 30 phút. Hành rửa sạch thái nhỏ. Gạo nếp cho vào nồi thêm nước ninh thật nhừ, cho chim sẻ vào ninh tiếp. Cháo chín cho gia vị, hành vào. Chia 2 lần ăn trong ngày. Ăn liền 3 ngày.
  • Cháo thịt rùa: thịt rùa 100g, thịt chó 50g, gạo 100g, bột gia vị vừa đủ. Thịt rùa làm sạch ướp bột gia vị, cho vào nồi thêm nước ninh thật nhừ. Thịt chó rửa sạch băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín. Gạo xay thành bột. Khi thịt rùa nhừ cho thịt chó, bột gạo vào đảo đều, đun tiếp đến khi cháo chín là được. Chia 2 lần ăn trong ngày. Ăn liền 3 ngày.


Ngoài ra, kết hợp xoa các huyệt: khí hải, trung cực, khúc cốt, khúc tuyền, tam âm giao, thận du, bàng quang du. Mỗi huyệt trong khoảng 1 phút, các huyệt ở bụng xoa theo chiều kim đồng hồ.           
Lương y Đình Thuấn

Tim lợn hâm thuốc chữa nhiêu bệnh

Tim lợn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất quen thuộc trên bàn ăn của mỗi gia đình. Các món ăn hấp dẫn từ tim lợn không những giúp bạn đổi khẩu vị, ngon miệng mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng trị bệnh. 

Theo Đông y, tim lợn vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; vào tâm, phế. Có tác dụng ích khí, bổ tâm, chữa kinh giản thương phong, trợ lực cho phụ nữ sau sinh. Sau đây là một số món ăn - bài thuốc từ tim lợn.
Tim lợn tiềm ngọc trúc: tim lợn 100g, ngọc trúc 100g, gừng tươi 15g, hành sống 15g. Ngọc trúc nấu lấy nước bỏ bã. Tim lợn làm sạch, cho nước gừng, hành và nước ngọc trúc vào, luộc chín, đun tiếp cho tim lợn chín nhừ và vớt tim ra đĩa; cho tiếp gia vị muối mắm, đường trắng bột ngọt, đun tiếp tạo thành nước canh đặc và đổ lên quả tim; sau đó đổ dầu vừng lên là được. Dùng cho các bệnh nhân có bệnh mạch vành, bệnh tim phổi, đái tháo đường, lao phổi.

Tim lợn hầm chu sa: chu sa 1,5g, tim lợn 1 quả. Chu sa tán bột, tim lợn làm sạch, rạch 1 lỗ cho chu sa vào, buộc khâu kín lại, thêm nước nấu hầm chín, thêm gia vị, ăn tim lợn chín và nước canh. Dùng cho bệnh nhân bồn chồn kích động, mất ngủ, suy nghĩ lo âu.
Tim lợn hầm bá tử nhân: tim lợn 1 quả; bá tử nhân 30g. Tim lợn bóc màng rửa sạch, rạch 1 lỗ cho bá tử nhân vào, khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ. Khi ăn cho thêm gia vị phù hợp. Dùng cho bệnh nhân loạn nhịp tim, đánh trống ngực hồi hộp, lo âu, mất ngủ quên lẫn.

Tim lợn hầm ngũ vị tử: tim lợn 1 quả, ngũ vị tử 9g. Tim lợn rửa sạch, rạch 1 lỗ cho ngũ vị tử vào khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ. Dùng cho bệnh nhân hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi, kích ứng, khát nước.
Tim lợn hầm tương đậu xị: tim lợn 1 quả, đậu xị 50g, hành, gừng, tương, giấm, rượu nhạt và các gia vị khác liều lượng thích hợp. Tim lợn rửa sạch, thêm ít nước và các gia vị trên hầm nhỏ lửa cho chín nhừ cạn nước, tắt bếp, để nguội thái lát mỏng cho ăn. Dùng cho trường hợp tâm huyết hư, hồi hộp lo âu, sản phụ sau sinh hồi hộp tim nhịp nhanh, lo âu xúc cảm.
Tim lợn hầm xương bồ: tim lợn 300 - 500g, xương bồ 6 - 9g. Xương bồ tán mịn, tim lợn rửa sạch thái lát nấu canh. Trước khi ăn, cho xương bồ tán vào. Dùng cho các trường hợp động kinh, kinh giật, ù tai, điếc tai, quên lẫn, giảm trí nhớ.
Tim lợn hầm hạt sen, mạch môn: mạch môn 20g, hạt sen 15g, tim lợn 1 cái. Tim lợn rửa sạch thái lát. Tất cả cùng nấu nhừ, thêm gia vị. Dùng cho người cao tuổi bị mất ngủ.

Tim lợn hầm nga truật: nga truật 25g, tim lợn 1 quả. Tim lợn làm sạch thái lát, nga truật xay nhỏ. Hầm chín, thêm gia vị cho ăn. Liên tục 1 đợt 5 - 7 ngày. Dùng cho các trường hợp trướng bụng đầy tức, ăn không tiêu.

Tổng hợp món ngon từ sứa

Con sứa trong veo, mềm mại và lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, nhìn đẹp mắt, nhưng khi mất nước và săn lại, sứa được chế biến thành nhiều món ăn thanh mát, giúp xua tan cái nóng bức mùa hè.
 
Món ăn từ sứa thường dễ chế biến, nhưng khâu quan trọng nhất là làm sạch sứa. Sứa tươi thường chỉ xuất hiện theo mùa, mỗi vùng mỗi khác nhưng đa số vào mùa hè. Mình sứa chứa nhiều nước nên dễ tan chảy, khi mua về đem ngâm trong nước có pha lá ổi để sứa săn lại và loại bỏ bớt mùi tanh, khi chế biến sứa sẽ giòn. Người ta thường muối sứa để bảo quản, nếu dùng sứa muối nên ngâm từ 10-12 giờ và thay nước nhiều lần để sứa nhạt. Sứa tươi hay sứa muối, sau khi cắt miếng vừa ăn nên chần qua nước ấm rồi chế biến mới ngon.
Gỏi sứa là món có nhiều biến tấu nhất, nguyên liệu để trộn gỏi cũng rất đa dạng nhưng không thể thiếu mè rang và rau thơm. Dùng sứa chua ngọt (có bán tại các siêu thị) hoặc sứa muối thái sợi ngâm trong nước giấm đường, trước khi trộn gỏi nên vắt thật ráo. Ức gà luộc chín, xé thành sợi và tôm hấp chín, lột vỏ. Dưa leo, cà rốt, củ cải trắng bào mỏng ngâm giấm đường, vắt ráo. Cho tất cả vào thau lớn, rưới nước mắm chua ngọt, trộn đều, mè rang và rau thơm cắt nhỏ trộn sau cùng. Dùng ngay với bánh phồng tôm hoặc bánh tráng nướng. Nếu thích ăn đơn giản, chỉ cần trộn sứa với nước tương, dầu mè, giấm đường, khi ăn rắc thêm mè rang lên.
Sứa xào thịt bò, nấm đông cô dùng với cơm. Thịt bò cắt miếng mỏng ướp với tỏi băm nhuyễn, nước tương và ít bột ngọt. Nấm đông cô tươi cắt bỏ gốc, ngâm nước muối, rửa sạch. Cà rốt cắt lát, cần tây cắt khúc, hành tây cắt múi cau. Sứa sơ chế xong cắt miếng vừa ăn. Phi thơm tỏi rồi cho thịt bò vào đảo nhanh tay, múc thịt ra để riêng. Cho tiếp nấm đông cô, hành tây, cà rốt và cần tây vào xào, nêm nếm vừa ăn, cho sứa vào đảo đều, tắt lửa rồi cho thịt bò vào trộn đều, rắc tiêu và ít ngò lên dùng nóng.

Bạn cũng có thể dùng sứa nấu canh với xương, vừa mát lại vừa bổ, đặc biệt nhiều i-ốt. Chọn xương vai hoặc xương ống, rửa sạch rồi cho vào nồi nước bắc lên bếp, nước sôi vớt bọt và cho sứa cắt miếng vào hầm chung, thêm ít bột nêm. Sứa vừa chín cho thêm củ cải trắng cắt khúc vào hầm đến khi mềm thì nêm lại gia vị và múc ra dùng nóng với cơm.
Nổi tiếng trong các món sứa là bún sứa, có nguồn gốc từ miền Trung. Nước dùng nấu bằng đầu và xương cá biển, sau đó lọc lấy nước. Cũng có thể nấu nước dùng bằng xương heo, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho dầu điều vào để màu được đẹp. Sứa sơ chế xong cắt sợi. Phi thơm tỏi rồi cho sứa vào xào sơ, nêm ít hạt nêm. Nạc cá thu quết nhuyễn với hành, tỏi, tiêu và gia vị vừa ăn, sau đó đem một nửa chiên vàng, một nửa hấp chín rồi cắt miếng vừa ăn. Bún trụng nóng, cho vào tô xếp chả cá chiên, chả cá hấp, sứa và hành ngò lên mặt, chan nước dùng rồi ăn nóng với rau giá, ớt tươi và chanh.
Cũng là bún, nhưng ngoài món bún sứa nước dùng còn có món bún sứa xào thịt nạc ăn với nước mắm chua ngọt. Sứa sơ chế xong để ráo. Thịt nạc rửa sạch, ướp với hạt nêm và hành tỏi băm nhuyễn. Ngoài bún tươi, nhớ chuẩn bị thêm rau sống đủ loại, xà lách, giá sống, dưa leo cắt sợi, đậu phộng rang vàng bỏ vỏ đâm nhỏ và đừng quên tô nước mắm chua ngọt. Phi thơm tỏi, cho thịt vào xào, thịt chín cho sứa vào đảo nhanh tay và nêm gia vị vừa miệng rồi tắt bếp. Cho rau, bún vào tô, để hỗn hợp sứa, thịt lên mặt, thêm ít hành lá phi, đậu phộng rang rồi chan nước mắm vào dùng.
Nhã Văn

Giọt mật say lòng người

Mật ong thơm ngon dùng làm nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng trong bữa cơm gia đình. Ngoài ra, mật ong còn được dùng làm thuốc quý để chữa bệnh và là dược liệu đặc biệt chăm sóc sắc đẹp cho phụ 
nữ.

Mật ong có 2 loại: mật ong rừng và ong nuôi. Để lấy được mật ong từ tổ ong rừng rất công phu, các thợ săn mật có thể dùng phương pháp truyền thống như đốt lửa để xua bầy hay dùng tiếng động, ánh sáng để dụ ong bay đi… Đối với ong nuôi thì dễ dàng hơn nhiều vì bầy ong đã được huấn luyện theo quy trình.
Cũng chính vì vậy mà mọi người vẫn thường phân biệt hai loại mật ong rừng và mật ong nuôi, và coi trọng hương vị mật ong từ núi rừng hơn. Về hương vị, mật ong rừng nguyên chất thường có độ ngọt đậm hơn ong nuôi nhưng nếu dùng làm thuốc chữa bệnh thì các nghiên cứu đều chứng minh hai loại mật ong này có tác dụng như nhau.
Từ thời xa xưa, ông cha ta đã phát hiện ra công dụng đặc biệt của mật ong dùng làm thuốc chữa bệnh phổi, ho lâu ngày bằng cách cho mật ong cùng với quýt chua hay vỏ chanh vào nồi hấp chín, rồi uống liên tục trong nhiều ngày. Ngày nay, các bác sĩ khuyên những người thường xuyên bị suy nhược cơ thể, viêm họng, táo bón…, có thể uống mật ong pha với chút nước ấm hay mật ong đặc để bồi bổ cơ thể phòng chống bệnh.
 
Mật ong có nhiều tác dụng dưỡng sức khỏe và làm đẹp. Nguồn ảnh: internet
Mật ong rừng không chỉ là phương thuốc khắc chế nhiều loại bệnh mà còn làm say lòng người với nhiều món ăn hấp dẫn. Đơn giản là món khoai lang chiên vừng tẩm mật ong nhâm nhi vào buổi chiều thu mát mẻ hay món chuối nướng tẩm mật ong rừng cho cơn đói chiều cồn cào hơn, níu chân người đi đường ghé lại xe chuối bán rong. Trong các bữa tiệc lớn hay mâm cơm gia đình cũng xuất hiện nhiều món từ mật ong như: sườn heo nướng mật ong, ức vịt nướng mật ong, đùi gà nướng mật ong mù tạc, chả giò mật ong hải sản, kem mật ong… Mỗi món là một cách chế biến khác nhau nhưng hương vị mật ong lúc nào cũng ngọt ngào thơm phức. Ngoài ra, mật ong còn được sử dụng để làm dược liệu chăm sóc da, môi, tóc…

Chè trái cây mật ong 

Nguyên liệu:
  • Kiwi: 2 trái 
  •  Dưa hấu: ¼ trái
  •  Dưa lưới: ¼ trái 
  •  15ml mật ong, 1 ít đá bào, 2 lát chanh tươi trang trí.
Cách làm:
  • Kiwi chọn loại ruột xanh, rửa sạch, gọt vỏ, dùng vá tròn múc thành viên.
  • Dưa hấu, dưa lưới rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, múc viên tròn như kiwi.
  • Cho kiwi, dưa hấu, dưa lưới vào ly rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh 20 phút.
  • Lấy ly chè trái cây ra, rót mật ong vào, cho thêm ít đá bào vào để bớt ngọt, trang trí với lát chanh. Dùng lạnh.

Thanh long nướng phô-mai 

Nguyên liệu:
  • Thanh long: 1 trái 
  •  Cà chua: 1 trái 
  •  Thơm: 50g 
  •  50g xoài, 50g kiwi, 50g phô-mai vụn, 5ml mật ong, 5g muối, 3g tiêu xay, 1 lá bắp cải tím, 1 lá cải thìa, 1 nhánh hành lá.
Cách làm:
  • Thanh long rửa sạch, cắt đôi, ½ trái tỉa bông hoa, ½ còn lại gọt vỏ cắt hạt lựu. Cà chua rửa sạch, lột vỏ, nạo sạch ruột. Thơm, kiwi rửa sạch, gọt vỏ, cắt hạt lựu. Xoài gọt vỏ, bỏ hạt, cắt hạt lựu như thơm. Lá bắp cải, cải thìa, hành lá rửa sạch.
  • Trộn đều thơm, xoài, kiwi, thanh long cắt hạt lựu với phô-mai, muối, tiêu và mật ong sau đó cho vào cà chua đã nạo sạch ruột. Úp cà chua vào mặt thanh long đã tỉa hoa rồi đem nướng vàng.
  • Dọn món ra đĩa, trang trí với bắp cải, cải thìa và hành lá, dùng nóng.
Cá thu áp chảo ăn kèm khoai lang tẩm mật ong
Nguyên liệu:
  • Cá thu: 300g 
  •  Khoai lang: 20g 
  •  Lá rosemary: 3g 
  •  1 củ gừng, ¼ thìa cà phê muối, ¼ thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê đường, 20ml mật ong, 2 thìa súp bột năng, 20ml dầu ăn.
Cách làm:
  • Gừng thái sợi. Cá thu rửa sạch, ướp với lá rosemary, muối, đường, gừng, tiêu, để 15 phút cho thấm. Làm nóng ít dầu ăn, cho cá vào áp chảo vàng đều hai mặt với lửa lớn.
  • Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng bản lớn rồi ngâm vào nước lạnh có pha chút muối để không bị thâm, sau đó vớt ra để ráo. Lăn khoai qua bột năng để không bị bắn khi chiên.
  • Đun nóng dầu ăn, cho khoai lang vào chiên vàng, vớt ra giấy thấm dầu. Hòa mật ong với nước lạnh, đun cho sánh lại rồi nhanh tay cho khoai lang vừa chiên vào, đảo đều.
  • Dọn cá ra đĩa, ăn kèm với khoai lang chiên.
Nguyễn Mận (Món ngon Việt Nam)

Gợi ý các món ăn ngon cuối tuần

Không cần quá cầu kỳ chị em cũng có thể nấu các món ăn ngon cho gia đình vào cuối tuần.
Mực trứng hấp gừng


Chỉ mất vài phút chuẩn bị và chế biến bạn đã có ngay món mực trứng hấp gừng thơm ngon rồi.
Nguyên liệu:
- Mực trứng
- Dầu hào
- Hành, gừng
Cách làm:
Mực trứng rửa sạch, ướp với dầu hào.
Gừng thái chỉ, hành cắt khúc.
Rắc hành + gừng phủ lên trên mực.
Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín đĩa mực (có thể dùng tăm châm lỗ để khi hấp mực màng bọc không bị phồng).

Đặt vào lò vi sóng, bật công suất trung bình, quay trong 2 phút là mực chín. Nếu nhà không có lò vi sóng thì các bạn hấp cách thủy theo cách thông thường nhé. Cách làm này áp dụng với hầu như tất cả các món hấp, không những nhanh, đơn giản mà còn tiết kiệm được khá nhiều thời gian cũng như công sức ở trong bếp của chúng ta đấy.
Chúc bạn thành công và ngon miệng với món mực trứng hấp gừng nhé!
Tôm rang thịt ba
Tuy đơn giản nhưng món ăn này luôn "đắt khách" trong các bữa cơm gia đình.
Tôm rang thịt ba chỉ khiến bữa cơm thêm hấp dẫn.
Nguyên liệu:
  • Tôm sú hoặc tôm lớt
  • Thịt ba chỉ
  • Hành khô, hành lá
  • Nước mắm, hạt tiêu
Cách làm:

Tôm các bạn bóc bỏ đầu và vỏ, rút phần chỉ đen ở lưng tôm.
Hành khô băm nhỏ, phi thơm với dầu ăn rồi trút tôm vào xào săn cùng với nước mắm, trút riêng ra 1 bát.
Thịt ba chỉ thái miếng vừa ăn, đem rang đến khi thịt có độ vàng xém cạnh, rồi các bạn mới cho nước mắm vào, hạ nhỏ lửa để nước mắm ngấm đều vào thịt.
Trút tôm vào chảo thịt đang rang trên bếp, đảo đều khoảng 5 phút rồi cho hành lá đã thái nhỏ vào, tắt bếp. Rắc thêm chút hạt tiêu cho tôm rang thịt ba chỉ thêm phần hấp dẫn.

Vì tôm đã được rang săn với hành khô và nước mắm nên khi cho vào rang chúng với thịt không hề bị tanh.
Trái lại, thịt rang lại rất thơm, vị ngọt của tôm lại quyện đều vào thịt, đồng thời phần mỡ béo tiết ra từ thịt cũng ngấm đều vào tôm tạo thành 1 món ăn hài hòa cả về màu sắc lẫn hương vị.
Canh dưa leo tôm, thịt
Món canh vừa ngọt vị tôm vừa mát vị dưa leo, lại rất dễ làm.
Chị em lưu ý, trong món canh dưa leo tôm, thịt cần ninh dưa leo thật lâu, như vậy nước canh mới ngon ngọt.
Nguyên liệu:
  • 3 trái dưa leo (khoảng 500 gram)
  • 100 gram thịt heo xay
  • 100 gram tôm thẻ
  • 1 củ cà rốt
  • Gia vị
Thực hiện:

Dưa leo rửa sạch, để nguyên vỏ, cắt khúc hơi dầy. Cà rốt gọt vỏ, xắt khoanh vừa, có thể tỉa hoa hoặc dùng khuôn cắt thành các hình dáng đẹp mắt cho món canh thêm sinh động.
Tôm lột vỏ, băm nhuyễn rồi trôn đều với thịt. Ướp vào tôm thịt ít hạt nêm, bột ngọt và tiêu xay.
Đun sôi nước rồi cho dưa leo vào nấu lâu cho thật mềm.
Khi dưa leo mềm, cho tiếp cà rốt vào nấu.
Vo tôm thịt thành từng viên nhỏ rồi thả vào nồi canh.

Nêm nếm lại với hạt nêm và bột ngọt, dằn xíu nước mắm cho món canh thêm đậm đà. Tắt bếp, dùng nóng với cơm.
Nước canh dưa leo tôm thịt thanh ngọt, trong veo, cùng với hương dưa leo mát lành sẽ mang đến cho bạn một khẩu vị hoàn toàn mới lạ.
Món canh dưa leo tôm thịt tuy rất đơn giản, nhưng lại rất bổ dưỡng. Dưa leo cung cấp các chất xơ, canxi, sắt, vitamin C…, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị phù thủng, kiết lị… Món canh này thích hợp dùng vào các mùa trong năm. Chúc các bạn thành công
Cải mèo chấm trứng
Món ăn tuy đơn giản nhưng lại mang lại cảm giác lạ, lôi cuốn cho bữa cơm.
Cải mèo là một loại rau họ cải được người dân tộc Mông ở vùng cao trồng rất nhiều. Cây cải mèo thuộc hàng rau có bẹ, thân dài, màu xanh đậm, lá cây nhăn và viền lá xoăn điệu đà, cầu kỳ.
Được tự nhiên chọn lọc khắt khe nên cải mèo có sức sống mãnh liệt: người dân vùng cao chỉ cần vãi hạt ven nương lúa, nương khoai… rồi để cây mọc tự nhiên, vậy mà cải mèo vẫn cựa mình để sống, để mơn mởn xanh tươi. Chị em có thể tìm mua cải mèo về luộc cho cả nhà thưởng thức nhé!

Nguyên liệu:
  • Rau cải mèo: 1 bó
  • Trứng gà: 3 quả
  • Nước mắm ngon: 1 bát nhỏ

Cách làm:
Rau cải các bạn nhặt bỏ phần lá già, dập úa. Rửa sạch rồi cắt khúc ngắn vừa ăn.
Thả trứng vào luộc từ khi nước lạnh để tránh bị nứt vỡ trong quá trình luộc. Sau khi nước sôi khoảng 5-7 phút là trứng chín, các bạn vớt trứng ra ngâm ngay vào bát nước lạnh cho róc vỏ, khi bóc sẽ dễ dàng hơn.

Đun nước thật sôi mới thả rau vào luộc, nhấn cho rau chìm trong nước rồi đậy vung lại.

Trứng bổ đôi hoặc bổ làm tư, chuẩn bị một bát nước mắm ngon, khi nào ăn các bạn dầm nhuyễn lòng đỏ trứng với nước mắm rồi chấm rau vào đó nhé.
Rau cải mèo còn được gọi là cải đắng bởi cái vị nhặng nhặng đắng nhưng khi ăn xong chỉ còn vị ngọt rất riêng đọng lại nơi vị giác, thật khó có thể quên.
Tổng hợp

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
type='text/javascript'/>