Vang trắng không chỉ dùng để thưởng thức mà nó còn có thể được tận dụng để tăng độ ngon cho các món ăn đấy. Cùng đọc và tìm hiểu về loại rượu đặc biệt này nhé.
Đầu tiên là về rượu vang trắng.
Mùa Giáng Sinh, mọi người đã học cách nấu rượu, uống nóng; nhưng rượu trắng nấu xong để lạnh, uống vào mùa hè là hấp dẫn cực kỳ. Công thức nấu rượu để lạnh na ná rượu nóng, chỉ cần cho nhiều trái cây hơn, bỏ bớt mấy cái đinh, hồi nồng mùi, dùng nhiều bạc hà, quế… cho thanh nhã.
Rượu trắng nấu, có chanh vàng, dâu, đường, xong rồi ướp lạnh uống
Và nhĩ nhiên, mọi người không quên rằng trong lúc nấu rượu thì có thể bỏ lê vào nồi hầm cùng để làm món tráng miệng. Lê này ăn nóng lúc vừa hầm xong, hoặc để lạnh rồi ăn vào tiết trời oi bức cũng hấp dẫn. Đây còn là món tráng miệng nhẹ nhàng, không béo như các loại bánh.
Lê hầm rượu trắng, ăn với chút kem tươi đánh lên, hạt óc chó, trang trí bằng cây vani, và lá bạc hà.
Rượu vang trắng không chỉ làm tráng miệng, đem nó nấu đồ mặn cũng ngon nữa. Dễ hình dung nhất là món gà nướng rượu. Nghe như món của mấy ông bợm, nhưng vào dịp lễ, cả nhà xơi món này được vì lúc nướng, chất cồn bay hết trơn rồi, không sợ say, con nít lớn chút là ăn được.
Điều quan trọng là đừng ngâm con gà trong khay lõm bõm rượu. Đổ rượu vang pha nước vào khay nướng, đặt trong khay một cái vỉ có chân, rồi đặt gà lên vỉ. Nước rượu không nên chạm con gà. Sau đó đậy giấy bạc bọc kín lại, quẳng vào lò nướng; 15 hay 20 phút trước khi gà chín phải mở giấy bạc ra để da gà được giòn.
Đây là món gà nướng rượu trên vỉ, trong một cái khay có bọc giấy bạc. Các bạn thích gà thế nào thì nêm nếm ướp iếc con gà theo khẩu vị, nếu muốn bạn có thể bỏ tỏi, bỏ rau mùi của Tây vô bụng gà hoặc trong nước rượu để khi nướng gà sẽ thơm hơn. Chán gà thì thay bằng thứ thịt trắng khác như thịt heo hoặc một con cá to, cũng đem nướng giống vậy. Rượu sẽ giúp thịt mềm và mọng, nướng thịt kiểu này, thịt sẽ bớt khô, ngay cả phần ức gà toàn thịt cũng sẽ dễ ăn hơn; mà bạn lại chẳng cần dùng bơ mỡ như kiểu nướng bình thường.
Rượu vang trắng thì khỏi nói rồi, rất hợp với hải sản. Bên Pháp có một món truyền thống, dễ làm, rất nhanh gọn, lại ngon cực kỳ, là chem chép nấu rượu. Những nhà hàng, quán coffee bên Pháp hoặc Bỉ lúc nào cũng có món này, nếu bạn đang xa xứ mà thèm ăn ốc thì chem chép nấu rượu là thứ thay thế vừa hấp dẫn vừa rẻ. Làm cũng đơn giản, chỉ cần xào hành tây, tỏi, và cọng cần tây xắt lát, sau đó đổ rượu vào, chất cồn bay hơi bớt thì cho chem chép vào, nấu độ 1 phút rưỡi đến 2 phút, khi chem chép há mõm là lấy ra, múc chem chép ra tô rồi… bốc tay. Mấy nhà hàng thích cầu kỳ hơn sẽ cho thêm kem tươi vào nồi sau khi tắt lửa, kem béo và rượu trộn lại sẽ làm giúp món ăn ngậy hơn, nhưng ai ngán béo thì cho rượu thôi.
Món chem chép nấu rượu (có bỏ kem)
Thấy món này ít quá, muốn xơi thứ gì cho chắc bụng? Không sao, có thể nấu chem chép như vầy rồi trộn với mì pasta. Nước ngọt của chem chép, rồi rượu trắng, và kem tươi (nếu có) rưới lên sợi mì cũng tuyệt lắm. Bạn có thể cho thêm tí rau mùi cho tăng vị. Cách này cũng áp dụng được với tôm, nghêu, mực v.v…
Món pasta trộn chem chép, mùa nóng bạn có thể bỏ thêm tí lá bạc hà ăn cho mát.
Nhưng dĩ nhiên, công dụng lớn nhất của rượu vang trắng chính là làm sốt. Những sốt bơ, sốt kem… để ăn với thịt trắng như gà, cá, thỏ, đều là từ rượu vang trắng nấu với xương cá hay xương gà. Công thức làm nhìn chung rất dễ, nhưng mất công chuẩn bị trước. Cơ bản là phải xào hành tây, cần tây, và tỏi, rồi cho rượu vang vô, nấu bay hết chất cồn, sau đó cho xương cá, xương gà vào, đổ thêm nước thường rồi hầm hỗn hợp này thành nước dùng (xương gà hầm lâu được, xương cá chỉ 20-30 phút thôi).
Đổ rượu vào hỗn hợp xào để hầm làm nước dùng. Nếu thích thì có thêm cho nấm trắng, cà rốt vào xào chung trước khi bỏ xương, để nước thêm ngọt vị rau củ. Nên nhớ rượu trắng để làm sốt trắng, bởi vậy nếu có bỏ cà rốt thì bỏ ít thôi, không là nước hầm sẽ đổi màu.
Hầm xong thì lọc nước qua cái rây. Người Việt mình có thể giữ lại xương làm xí quách nhậu cho đỡ phí.
Nước đã lọc là nước dùng để làm ra đủ thứ loại sốt. Mẹo nhỏ: nấu một nồi nước dùng như vầy, rồi chịu khó đổ nước dùng vào khay làm đá, đem đông lạnh, từ từ bạn sẽ có một lô “viên đá nước dùng” ngon hơn viên knorr. Thời xưa làm gì có hóa chất công nghiệp để nấu nướng, những viên nêm đều là viên nước dùng hầm từ xương, đem đông lạnh thành cục. Bạn có thể dùng chúng nấu canh, hầm thịt, làm sốt v.v…
Những viên đá nước dùng.
Khi thích làm sốt, bạn có thể lấy vài viên đá ra, nấu cho tan chảy, rồi quậy với bơ hoặc kem tươi dưới lửa nhỏ cho hơi quánh lại tùy theo món ăn kèm. Nếu bạn muốn sốt có vị rượu nồng hơn, thì đun một chút rượu trước, sau đó đổ nước dùng (hoặc đá nước dùng) vào, cho bơ hoặc kem sau. Thứ sốt này còn có thể biến tấu ra lắm trò, nhưng cơ bản nhất là thế.
Món gà sốt kem nấm rất phổ biến bên Tây. Sốt kem này là từ công thức với rượu như trên. Nhìn chung, sốt xịn từ xương, làm đúng nguyên lý, biết lúc nào bỏ rượu vô, nấu cho bay cồn v.v… thì khi quậy với kem nó mới ngon, còn không thì mùi sẽ như kem béo ngậy pha nước lã.
Món cá bơn hấp rượu, ăn kèm nước sốt rượu trắng pha kem tươi và khoai tây nghiền (bắt thành dải vỏ sò quanh đĩa). Đây là món Pha Lê làm hồi… chưa biết gì, nên làm không khó đâu, chủ yếu là trang trí đẹp để lòe thôi.
Ngán thịt cá? Lấy rượu trắng làm sốt bơ rượu để chấm với rau. Lấy nước dùng pha với bơ, quậy từ từ, cho thêm muối, tiêu… là có thể lấy chấm cà rốt, củ cải, bí v.v…
Nước dùng pha bơ, chấm a-ti-sô. A-ti-sô luộc lên, để lạnh ăn sẽ ngon hơn nóng. Vào mùa oi bức có món mát này xơi thì còn gì bằng!
Sơ sơ thấy rượu trắng cho ra đời nhiều món thú vị. Khi nào rảnh Pha Lê sẽ viết kỹ về một món nào đó nấu với rượu trắng sau. Rượu đỏ cũng làm được nhiều món và cũng thú không kém. Các bạn đợi nhé.
Đăng nhận xét